(Xây dựng) – Hơn hai năm kể từ ngày huyện miền núi Tây Trà được sáp nhập với huyện Trà Bồng, do không được trông coi, quản lý tốt nên nhiều trụ sở vốn là cơ quan Nhà nước bất đắc dĩ đã bị biến thành những “trang trại” chăn nuôi của người dân.
|
Hiện hai tòa nhà này đang có dấu hiệu xuống cấp từng ngày. |
Thực hiện Nghị quyết số 867 ngày 10/01/2020 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, huyện Tây Trà được nhập vào huyện Trà Bồng. Gần 3 tháng sau, cán bộ, công chức và người lao động huyện Tây Trà cũ chuyển về thị trấn Trà Xuân cách đó gần 40km để tiếp tục làm việc. Từ đó, hàng chục trụ sở có tổng chi phí đầu tư xây dựng lên đến cả trăm tỷ đồng đã bị bỏ hoang do không còn nhu cầu sử dụng.
Từ ngày nhập huyện, xã Trà Phong – Trung tâm huyện lỵ cũ của huyện Tây Trà bị bao trùm trong không khí hoang tàn, ảm đạm và vắng vẻ… cái nghèo đeo đẳng đồng bào nơi đây. Giữa thung lũng phía Tây Bắc – Nơi cách thành phố Quảng Ngãi ngót nghét 100km, nhà dân liêu xiêu núp dưới bóng những trụ sở đồ sộ, bề thế nhưng lâu ngày vắng bóng người ra vào.
Người dân Trà Phong đã quá quen với hình ảnh nhiều trụ sở quanh năm “cửa đóng then cài” từ ngày nhập huyện. Nhìn những tòa nhà to gấp cả trăm lần nhà mình mỗi ngày một hư hại, có nơi bất đắc dĩ đã trở thành “trang trại” khiến nhiều người không khỏi tặc lưỡi tiếc nuối.
|
Bò đi dạo trong trụ sở trước đây là Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà. |
Bước vào trụ sở trước đây là Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà, phóng viên Báo điện tử Xây dựng như không tin vào mắt mình khi chứng kiến một cảnh tượng vô cùng nhếch nhác ở đây. Cổng chính bị mở toang, muốn vào sâu bên trong phải cực kỳ khéo léo mới không đạp phải… phân bò vì khắp nơi từ sân, nhà để xe, sảnh chính tòa nhà, tất cả các phòng, nhà vệ sinh… kể cả trên lầu đều ken đặc phân bò; một chú bò thảnh thơi đi dạo khắp các phòng, lên xuống cầu thang như thể đây là nơi trú ngụ thân quen.
Theo người dân sống gần trụ sở này, hiện có hàng chục con bò của những người dân sống đối diện đang “tá túc” ở đây. Thấy chúng tôi lúi húi chụp ảnh, một người dân qua đường liền buông vội một câu, “từ ngày có chỗ này dân ở đây không phải làm chuồng cho bò nữa, nhà cao, to nhốt bò rất sướng”.
|
Nhiều đồ đạc, vật dụng đã bị bỏ lại khi cán bộ, công chức và người lao động chuyển về nơi làm việc mới. |
Nằm sát bên, trụ sở của Tòa án nhân dân huyện Tây Trà (cũ) cũng luộm thuộm không kém, la liệt vỏ chai bia - tàn dư của những cuộc nhậu rải khắp hành lang và phòng xử án. Những tấm cửa gỗ vốn là của các phòng được gỡ ra và be tạm góc phải tòa nhà để làm chuồng cho heo, gà… chuối được trồng thành vườn ngay trong sân tòa án cũ. Bên góc trái, một máy xay lúa, một nhà tạm bằng tôn cũng được dựng lên. Dãy nhà trước đây là nơi ở, sinh hoạt của cán bộ được trưng dụng làm nơi nuôi nhốt, ấp nở gà; nhà vệ sinh do được lát gạch men nên được “bố trí” để… nuôi vịt.
Hai trụ sở hai tầng nằm sát nhau này có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông, được đầu tư xây dựng kiên cố, vững chải với đầy đủ các phòng ban chức năng, diện tích xây dựng tương đối lớn với tường sơn nước, mái lợp tôn, nền lát gạch men, cửa gỗ tự nhiên. Hiện trạng hai tòa nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đồ đạc hư hại do bị trưng dụng không đúng mục đích. Theo lãnh đạo huyện Trà Bồng, hậu sáp nhập việc xử lý những trụ sở dôi dư là vấn đề hết sức nan giải. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực thì cơ bản đã bố trí và điều chuyển phần lớn trụ sở cho một số cơ quan, đơn vị, trường học để tổ chức sử dụng, bố trí nhân sự trông coi, quản lý.
Nói về việc một số trụ sở bị bỏ hoang, biến thành nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm… đại diện lãnh đạo huyện Trà Bồng cho rằng, đây là tài sản công thuộc sở hữu của những “ngành dọc”, các đơn vị này trực tiếp quản lý, sử dụng chứ không phải của huyện. Do đó, để xảy ra thực trạng nhếch nhác như trên thì trách nhiệm thuộc về những đơn vị đó.
Rõ ràng, dù không còn nhu cầu sử dụng và đang chờ chuyển giao, bán đấu giá hay thanh lý thì những trụ sở trên vẫn là tài sản công, được đầu tư xây dựng bằng một nguồn lực rất lớn từ ngân sách Nhà nước. Việc xem nhẹ công tác bảo vệ, bảo quản khiến tài sản Nhà nước bị hư hao, giảm giá trị tạo hình ảnh phản cảm, khiến người dân bức xúc cần được xem xét trách nhiệm một cách trực diện và nghiêm túc.
Một số hình ảnh nhếch nhác tại hai trụ sở bỏ hoang này do phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi lại:
|
Hàng chục con bò của người dân đang trú ngụ trong trụ sở này. |
|
La liệt phân bò trong trụ sở bỏ hoang. |
|
Không chỉ ở tầng 1, bò còn đi dạo lên tầng 2 tòa nhà. |
|
Nhà tạm được dựng ngay trong khuôn viên Tòa án nhân dân huyện Tây Trà cũ. |
|
Và cả máy xay lúa. |
|
Người dân xót xa khi chứng kiến cảnh tượng nhếch nhác, lãng phí này. |
|
Cửa gỗ của trụ sở được gỡ để be chuồng nuôi heo, gà. |
|
Phòng ở cán bộ bị biến thành nơi ấp nở gà. |
|
Dãy nhà bên phải Tòa án huyện Tây Trà cũ được đóng kín cửa để làm chuồng nuôi gà. |
|
Nhiều tài sản công bị hư hại nghiêm trọng do bị trưng dụng không đúng mục đích. |
|
Nuôi vịt trong nhà vệ sinh. |
Theo thống kê, sau khi sáp nhập huyện Tây Trà về huyện Trà Bồng, tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý; gồm hàng chục khu nhà công vụ với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000 m2, tổng giá trị nguyên giá là hơn 516 tỷ đồng; cùng theo đó 12 ôtô, máy móc trang thiết bị là tài sản công với tổng trị nguyên giá hơn 72 tỷ đồng… Đây là khối tài sản công lớn Nhà nước đã đầu tư cho huyện Tây Trà (cũ) trong nhiều năm. |