(Xây dựng) - Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2 được triển khai thực hiện tại thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong đề nghị Sở Du lịch triển khai hiệu quả dự án phát triển hạ tầng du lịch. |
Dự án có tổng mức đầu tư 11,963 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay ADB 10,193 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách tỉnh 1,77 triệu USD, thời gian thực hiện từ năm 2018-2024.
Mục tiêu góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch đường sông kết nối thành phố Đồng Hới với một số trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh. Từ đó, hình thành các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch, khắc phục tính thời vụ của du lịch biển; nâng cao năng lực thực hiện tiêu chuẩn du lịch ASEAN và tăng cường khả năng quản lý, vận hành, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng tại điểm đến du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý chủ đầu tư dự án cho biết: Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công Quảng Bình được nhà tài trợ ADB đánh giá là địa phương đứng đầu trong 5 tỉnh tham gia dự án, cơ bản hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch của ADB.
Theo đó, hiệu lực Hiệp định vay của dự án bắt đầu từ ngày 25/8/2020, đến nay, dự án thực sự đủ cơ sở pháp lý đi vào hoạt động là 20 tháng. Trong vòng 20 tháng qua, chủ đầu tư đã chỉ đạo quyết liệt và dự án đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục lựa chọn tư vấn của nhà tài trợ ADB cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, một số công việc phải tạm dừng theo quy định của Chỉ thị 16, 18, 19.
Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công Quảng Bình cơ bản hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch của ADB. Hiện công việc chủ yếu còn lại là phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và lựa chọn nhà thầu xây lắp các hạng mục của dự án trên địa bàn thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh. Dự kiến đến tháng 6/2022, tổ chức đấu thầu xây lắp và tháng 8/2022, sẽ khởi công các hạng mục công trình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Thủ tục theo quy trình đấu thầu của ADB; công tác khoan khảo sát địa chất dưới nước tại các vị trí xây dựng cầu tàu; giá nhiên liệu và vật liệu biến động, tăng cao; điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...
Khu vực bến cầu Quán Hàu cũ tại huyện Quảng Ninh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đề nghị Sở Du lịch và Ban Quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công tiếp thu những ý kiến góp ý từ các Sở, ngành, địa phương để điều chỉnh bổ sung kịp thời và phù hợp quy hoạch đối với các công trình gồm Bến thuyền Nhật Lệ, Quán Hàu, Long Đại, núi Thần Đinh; đường lên núi Thần Đinh; nhà chờ đa năng ở trong khuôn viên đền thờ tại Long Đại… Trước hết, phải bảo đảm về vấn đề môi trường, mỹ thuật và cảnh quan, công năng, hiệu quả sử dụng và quan trọng là các công trình xây dựng phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng lưu ý, vì liên quan đến nguồn vốn ODA, nên tiến độ giải ngân của dự án rất quan trọng, yêu cầu Sở Du lịch phải triển khai ngay và các đơn vị liên quan phải quan tâm giải quyết nhanh những vấn đề liên quan đến dự án để sớm triển khai các hạng mục công trình đúng tiến độ. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định của nhà tài trợ ADB.
Nhất Linh
Theo