(Xây dựng) - Với triển vọng phát triển nhiều mặt, từ công nghiệp đến nông nghiệp, nông thôn, các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đang hướng tới xây dựng những vùng nông thôn tiêu biểu, có tính đặc trưng, góp phần thay đổi diện mạo quê hương và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái.
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy trao bằng công nhận danh hiệu Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu, cho thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy. |
Khu dân cư nông thôn năng động
Ông Trương Quang Lý - thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết: Những năm gần đây, nhờ hưởng ứng phong trào Toàn dân xây dựng Nông thôn mới, diện mạo khu dân cư đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt; khu dân cư đoàn kết, có tổ an ninh, khu dân cư an toàn.
Với vai trò là hội viên Hội người cao tuổi, đồng thời cũng là một nhà thầu xây lắp dân dụng lâu năm ở địa phương, trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, ông thường vận động bà con hiến đất mở rộng đường; quá trình thi công, người dân cũng tự đóng góp để làm đường điện chiếu sáng, hỗ trợ ngày công để trồng lên cây xanh, đường hoa…
Nhờ đó, khu dân cư tại thôn Xuân Lai, Phan Xá, Mai Hạ luôn sạch sẽ, khang trang, bảo đảm an ninh trật tự. Dọc theo các trục đường thôn là nhiều loại hoa được trồng mới đang khoe sắc. Các thôn có công viên nằm cạnh bờ sông với ghế đá và gần 100 cây bóng mát được trồng mới dọc theo sông Kiến Giang. Nhiều tuyến đường đã được lắp biển báo, hệ thống camera an ninh và cổng chào... thôn quê mang một diện mạo tiêu biểu.
Mới đây, trong chiều 18/11/2022, nhân dịp lễ kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đại diện lãnh đạo Huyện ủy - UBND huyện Lệ Thuỷ đã trao bằng công nhận danh hiệu “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu” cho nhân dân thôn Phan Xá.
Hay như tại xã Trường Thủy, một trong những địa bàn có thế mạnh về kinh tế gò đồi, phát triển du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái vườn, nên khi đến với Trường Thủy, khách tham quan sẽ cảm nhận được sự năng động, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được kéo gần.
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho biết: Trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, địa phương đã huy động được sự tham gia, vào cuộc tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong việc hiến đất, đóng góp ngày công, tiền mặt làm đường giao thông, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, chi cho vườn mẫu. Điều này đã tạo động lực để người dân xã Trường Thủy ý thức hơn trong việc tự giữ gìn cảnh quan làng quê, xây dựng thành khu dân cư nông thôn mới mẻ.
Mỗi vùng sẽ mang một nét đặc thù riêng
Khác với các địa bàn vùng nông thôn khác, vùng nông thôn tại các xã Đại Trạch, Trung Trạch và thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) đã có sự phát triển khá nhanh, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, người dân thường sinh sống ngay tại mảnh đất mình canh tác nên huyện Bố Trạch mang một đặc trưng là vùng nông thôn vừa sinh sống, vừa sản xuất.
Với đặc thù đó, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, những khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn cũng mang những nét đặc trưng riêng bởi sự năng động, hiện đại thay vì xây dựng một vùng quê yên bình, lặng lẽ.
Diện mạo khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch. |
Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ chia sẻ: Để thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới, xã đã phân công cho các Chi bộ Đảng, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… phụ trách các tuyến đường. Bên cạnh đó, phong trào “3 sạch” cũng được địa phương phát động với các mục tiêu hướng tới sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ được phát động và duy trì thường xuyên.
Theo đó, năm 2020, xã Đại Trạch đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2021, 2022 địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm duy trì, giữ vững và nâng chất Nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 thôn đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trên cơ sở giữ nguyên những nét đặc thù của vùng dân cư.
Lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, giới thiệu xúc tiến thương mại các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đặc biệt, ưu tiên quảng bá, bố trí gian hàng sản phẩm tại khu vực đô thị huyện lỵ Hoàn Lão và khu vực thị trấn du lịch Phong Nha.
Theo đó, huyện Bố Trạch đang dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Bình về số lượng các sản phẩm OCOP, cụ thể, huyện này hiện có 37 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 33 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao, chủ yếu thuộc nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Bố Trạch phấn đấu có ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tập trung vào 5 nhóm sản phẩm, trên cơ sở nâng cấp các nhóm sản phẩm đã có và các sản phẩm có tiềm năng của các địa phương.
Để thực hiện chương trình OCOP đạt hiệu quả, thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện sẽ tiếp tục bố trí, sử dụng nguồn kinh phí được Trung ương hỗ trợ một cách hợp lý. Đồng thời, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình và hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh, hoàn thiện các khâu để phát triển sản phẩm OCOP hoàn chỉnh.
“Với nguồn lực đất đai, tiềm năng khá dồi dào, huyện hỗ trợ các địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, để các sản phẩm của quê hương trở thành những đặc sản có giá trị và vươn xa” Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nhấn mạnh.
Nhất Linh
Theo