(Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 1299/KH-UBND triển khai thực hiện phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” trên địa bàn.
Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện từ tháng 8/2024 và tổng kết vào cuối năm 2025. |
Mục đích của phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát là tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.
Tạo tiền đề để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi cá nhân tập trung thi đua huy động, vận động các nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân, trong đó nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
Triển khai thực hiện thi đua xây dựng cơ chế, chính sách phải phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.
Xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền, đúng đối tượng thụ hưởng. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với chính quyền địa phương trong chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; tiếp tục rà soát, đánh giá, thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình.
Sở Tài chính căn cứ nguồn vốn, nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh phân bổ các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình người có công, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gặp khó khăn về nhà ở (nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới; chưa có nhà ở) để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương có kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng trên…
Đào Hồng Thiệu
Theo