(Xây dựng) - Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, đến hết quý I/2021, toàn tỉnh có nợ 455 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, 82 tỷ đồng tiền nợ khó đòi (chiếm 18%) do các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ địa điểm kinh doanh.
Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn phát sinh nợ thuế lũy kế hàng năm mặc dù chưa khai thác. |
Hơn 82 tỷ tiền nợ khó đòi
Những đơn vị nợ thuế lâu năm như: Công ty Cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng Cao Linh Thành nợ 85 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu và Xây dựng Cosevco 1 nợ 73 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm nợ 58 tỷ đồng; Công ty THNH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình nợ 31,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Long nợ 13 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình nợ 12 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cosevco 6 nợ 9,1 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến giải thể, phá sản hoặc tự bỏ kinh doanh nợ thuế như: Chi nhánh Công ty TNHH Hà Thành; Liên doanh VINASIAM; Công ty Đường Quảng Bình; Tổng Công ty Cổ phần khoáng sản và công nghiệp Đại Trường Phát; Công ty Cổ phần Tân Quang Thành - Quảng Bình 4.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ thuế tăng là các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất nộp một lần (chiếm 60%); nhiều doanh nghiệp được gia hạn thuế, đến hạn nộp nhưng không có khả năng nộp. Ngoài ra, còn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Việc nhiều Công ty nợ thuế lâu năm với số tiền lớn và thời gian nợ đọng kéo dài, khiến nguồn thu ngân sách của tỉnh bị ảnh hưởng. Trong khi đó các biện pháp thu thuế và cưỡng chế nợ đọng đã được ngành Thuế tỉnh Quảng Bình thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.
Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế, thuộc Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết: Với các đơn vị nợ thuế, hàng tháng đơn vị có gửi thông báo nợ, nếu quá 90 ngày thì có quyết định cưỡng chế về hóa đơn. Việc thu hồi tài sản nợ thuế cũng gặp nhiều khó khăn, vì tài sản của các doanh nghiệp hầu hết đều thế chấp cho ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Đôn đốc doanh nghiệp chây ỳ
Ông Đoàn Vĩ Tuyến - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Những doanh nghiệp nợ thuế đều có danh sách công khai lên trang website của Tổng cục thuế. Cục Thuế cũng thường xuyên báo cáo HĐND, UBND tỉnh về các trường hợp này.
Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đã đăng ký doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhưng trên thực tế là họ chưa khai thác, chủ yếu là cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thuê đất. Dù vướng mắc không được giải phóng bàn giao mặt bằng nhưng vẫn phải làm theo quy định Chính phủ là bắt buộc phải nộp tiền cấp quyền khai thác kể từ ngày có quyết định.
Nhà máy Tấm lợp Fibrocement, đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu và Xây dựng Cosevco 1. |
Cục Thuế tỉnh đã có đề xuất với các Sở, ban, ngành để xử lý các doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhưng vướng mắc về thủ tục như Công ty Cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng Cao Linh Thành được cấp phép khai thác đá từ năm 2012, nhưng đến nay không hoạt động, nợ thuế lũy kế 85 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Cosevco 6 hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, nhưng mỏ đá lại cấp trên đất quốc phòng nên phải dừng hoạt động. Từ đó, Công ty Cổ phần Cosevco 6 dừng khai thác và nợ thuế Nhà nước lũy kế 9,1 tỷ đồng.
Qua thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 91 doanh nghiệp nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với hầu hết các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nộp tiền nợ thuế vào ngân sách Nhà nước.
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm thu hồi nợ thuế, như: Kiến nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp.
Nhất Linh
Theo