(Xây dựng) - Là nơi hội tụ của ba con sông lớn (sông Thao, sông Lô và sông Đà), có mạng lưới giao thông đối ngoại thuận tiện và có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ… Với những tiềm năng sẵn có, thành phố Việt Trì đang vươn mình phát triển.
Hình ảnh tổng quan “Thành phố lễ hội về với cội nguồn”. |
Được thành lập ngày 4/6/1962, Việt Trì không chỉ là thành phố trung tâm của tỉnh Phú Thọ mà còn là vùng đất phát tích, còn nguyên những giá trị, dấu tích vật thể và phi vật thể của thời đại Hùng Vương, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ mùng 10/3, nhân dân cả nước lại hướng về Phú Thọ để tưởng nhớ tri ân công đức các Vua Hùng. Bên cạnh đó, Việt Trì còn là vùng đất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng du lịch. Bởi, Việt Trì có kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và đời sống. Với các thành tựu đã đạt được và tiềm năng, lợi thế sẵn có đang mở ra triển vọng mới, tạo thế và lực cho Việt Trì trên con đường hội nhập và phát triển, đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch về cội nguồn và trong tuyến du lịch của cả nước, xứng đáng là “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
Đầu năm 2022, hàng loạt các công trình trọng điểm có vốn đầu tư lớn được khởi công và khẩn trương thi công trên địa bàn tỉnh như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tổng vốn các giai đoạn ước tính 10.000 tỷ; dự án Phố đi bộ - Khu nhà ở đô thị Tiên Cát với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.486 tỷ đồng; dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng…
Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040.
Quyết định nêu rõ, phạm vi điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 22 đơn vị hành chính, bao gồm 13 phường và 9 xã, với diện tích khoảng 11.175ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch được xác định như sau: Phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh; phía Nam giáp sông Hồng; phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao; phía Đông giáp sông Lô.
Về quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn thành phố Việt Trì khoảng 350.000 người; đến năm 2040 khoảng 500.000 người. Quy mô đất đai phát triển đô thị: Đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 6.500 - 7.000ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 - 4.000ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.500 - 3.000ha. Đến năm 2040 đất xây dựng khoảng 8.000 - 9.000ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.200 - 5.000ha, đất ngoài dân dụng khoảng 3.500 - 4.000ha.
Theo Quyết định, mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở cho việc xây dựng thành phố Việt Trì văn minh hiện đại tương xứng là trung tâm tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của vùng phía Bắc Thủ đô Hà Nội và của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Xây dựng môi trường bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng đô thị Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, hiện đại đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững và hội nhập với khu vực và quốc tế; Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Quyết định cũng nêu rõ những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì bao gồm: Rà soát tổng thể về nội dung Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đã được phê duyệt năm 2015 và đối chiếu, rà soát, đánh giá với tình hình thực tiễn phát triển đô thị. Nghiên cứu các định hướng từ các quy hoạch cấp trên và các biến động mới về phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, xác định các yếu tố mới, những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh. Phân tích các động lực mới, dự báo nhu cầu phát triển trong các giai đoạn. Định hướng phát triển cần phải hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch, di tích lịch sử văn hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường tại khu vực.
Đồng thời, đề xuất các điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, về phân bố các trung tâm đô thị; đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập trong quá trình phát triển của thành phố Việt Trì về hạ tầng kỹ thuật, về sử dụng đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch (tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng của thành phố lễ hội, hình thành bản sắc riêng cho thành phố Việt Trì trên nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên thiên).
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư. Các chương trình và dự án cần có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Việt Trì.
Với những tiềm năng sẵn có, cùng với chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, sự vào cuộc tích cực các cấp chính quyền và nhân dân sẽ là những thuận lợi để thành phố Việt Trì sớm trở thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thành phố lễ hội về với cội nguồn và du lịch sinh thái.
Đức Cương – Phùng Hằng
Theo