(Xây dựng) – Trong 3 năm (2021-2023), Phú Thọ đã huy động được hơn 4.200 tỷ đồng để đầu tư thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia là: Xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được làm mới giúp đồng bào Sáu Khe, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập đi lại dễ dàng. |
Trong đó, hơn 2.800 tỷ đồng vốn ngân sách của Trung ương và địa phương; gần 458 triệu đồng huy động từ trong dân và doanh nghiệp; hơn 529 tỷ đồng vốn tín dụng và hơn 395 tỷ đồng vốn lồng ghép khác.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai hỗ trợ đầu tư 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 công trình trường học; 4 công trình y tế và một số công trình khác cho các xã, thôn thuộc khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn.
Các công trình hạ tầng được đầu tư đã tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn miền núi, tạo cơ sở quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2023, ước mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2%; đến năm 2025 sẽ có 17 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 35 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5%. Toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 70,9% tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 18,7% tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 3,6% tỷ lệ xã đạt xã nông thôn kiểu mẫu.
Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia đời sống nhân dân được nâng cao, đường xá giao thông thuận tiện là động lực cho người dân phát triển kinh tế nhờ đó nhiều hộ gia đình đã xóa đói giảm nghèo vượt lên khó khăn.
Thái Lâm
Theo