(Xây dựng) – Gần đây, trên địa bàn xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đang diễn ra tình trạng cát tặc ngang nhiên “ăn cắp” tài nguyên với quy mô khá lớn, liệu có ai chống lưng cho cát tặc lộng hành?
Xe chở cát quá tải đang di chuyển ra ngoài để tiêu thụ. |
Cụ thể, tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, các đối tượng khai thác cát trái phép nằm sát với mỏ cát đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty TNHH Việt Châu có địa chỉ tại huyện Tam Nông.
Theo thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt ghi nhận tình hình thực tế. Theo quan sát cho thấy, tại khu vực này các đối tượng sử dụng máy múc “xẻ thịt” bãi bồi tạo thành những hố sâu vài chục mét sau đó chuyển tải lên những chiếc xe ben. Đoàn xe ben có dấu hiệu chở quá tải rầm rộ đua nhau vận chuyển cát đi nơi khác. Điều đặc biệt, hành vi “trộm” tài nguyên này diễn ra khá lâu nhưng chưa thấy có dấu hiệu can thiệp nào từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chính vì vậy, các đối tượng này thực hiện hành vi “trộm” công khai. Như vậy, các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, tắc trách trong công việc? Hay có thế lực nào “chống lưng” cho những hành vi sai phạm pháp luật này không?
Điều đáng chú ý, người dân quanh đây không khỏi bức xúc vì hành vi này không những ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến Trường Tiểu học Tam Cường bởi những tiếng ồn và bụi bẩn gây ra từ việc khai thác vận chuyển trái phép ngay phía sau trường học này.
Người dân cho biết thêm, cũng khu vực này trước đây (cuối tháng 6/2020) đã từng xảy ra tình trạng các đối tượng lạ mặt vô tư khai thác cát trái phép. Ngoài ra, các đối tượng múc trộm cát còn vào tận mỏ của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép “trộm” tài nguyên trong khi, đơn vị được cấp phép đang tạm dừng việc khai thác do dịch Covid-19 và phương án khai thác của doanh nghiệp. Vụ việc đã được trình báo đến cơ quan chức năng, khi đến kiểm tra, công an đã phát hiện bắt giữ cả xe chở cát và máy múc, lập biên bản để xử lý.
Các cơ quan chức năng ở đâu trong khi những hành vi khai thác trái phép ngang nhiên diễn ra vào khoảng thời gian dài với lượng tài nguyên bị “ăn cắp” khá lớn như vậy? Liệu có thế lực nào chống lưng tiếp tay cho những đối tượng này thực hiện hành vi dễ dàng và ngang nhiên hơn không? Từ việc khai thác trái phép cho đến việc vận chuyển tài nguyên, tại sao đoàn xe rầm rộ vận chuyển trên tuyến đường 32C vào khoảng thời gian dài như vậy mà các lực lượng không phát hiện xử lý, hay “che mắt” làm ngơ cho các đối tượng? Những thắc mắc trên xin gửi tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời và phản hồi.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với nội dung cụ thể như sau: 1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; ..... 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên; c) Có tổ chức; ...... |
Phùng Hằng - Văn Nhất
Theo