(Xây dựng) – Những năm gần đây, nạn san gạt đất bừa bãi ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình đã diễn ra thường xuyên, công khai… trước sự “thờ ơ”, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Một quả đồi lớn thuộc xã Tân Kim, Phú Bình mới bị san gạt trái phép tạo thành mặt bằng rộng lớn hàng nghìn m2 để sử dụng sai mục đích đất. |
Dọc các tuyến đường chính vào các xóm thuộc xã Tân Kim, huyện Phú Bình, không khó có thể bắt gặp những quả đồi xanh mướt bị bóc đất nham nhở, thậm chí có những quả đồi lớn bị bóc đất gần hết, san phẳng để xây nhà ở, nhà xưởng… bởi nạn san gạt đất bừa bãi diễn ra trong thời gian dài tại đây không được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Qua tìm hiểu của phóng viên, trong những năm gần đây, nạn san gạt đất bừa bãi ở xã Tân Kim diễn ra thường xuyên, công khai do nhu cầu sử dụng mặt bằng lớn, đặc biệt là mặt bằng cho các xưởng chế biến, sản xuất gỗ đang phát triển rầm rộ tại địa phương này. Có mặt tại xóm Đèo Khê, chỉ cách trục đường chính mấy chục mét, một quả đồi lớn mới được san gạt, nu lèn bằng phẳng rộng tới hàng nghìn m2 với độ cao san lấp so với mặt ruộng và đất rừng của các hộ lân cận lên tới cả chục mét, ở vị trí này chỉ cần một trận mưa lớn, cùng với nước từ các quả đồi tràn xuống, nguy cơ sạt lở vùi lấp tiếp các ruộng canh tác và cây cối của các hộ liền kề là rất cao.
Ông Phạm Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tân Kim xác nhận, đó là đất lâm nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, công an viên của xã, san lấp để làm nhà xưởng và đã bị xã lập biên bản xử phạt 5 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà ông Dũng vẫn cố tình san gạt, hủy hoại đất, hoàn thiện mặt bằng hàng nghìn m2 như hiện nay mà không hề bị chính quyền kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Khu vực san gạt hàng nghìn m2 đất lâm, nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xóm Đèo Khê, xã Tân Kim. |
Cách khu vực san gạt nhà ông Dũng khoảng gần 1km, một hộ gia đình tên Sơn cũng có nửa quả đồi đã được san phẳng, giờ đã trở thành nơi tập kết, chế biến ván bóc sầm uất của gia đình này. Trao đổi với phóng viên, ông Sơn hồn nhiên cho biết, gia đình không bán đất mà đã tự cho doanh nghiệp khai thác, đào bới, san gạt lấy hàng nghìn khối đất phục vụ các công trình giao thông trên địa bàn cách đây hơn 2 năm. Dọc trục chính và các ngõ vào các khu rừng trồng tại khu vực Đèo Khê và các xóm gần đó, không riêng những gia đình trên còn rất nhiều gia đình khác đã san gạt trái phép những quả đồi lớn, tạo ra mặt phẳng rộng lớn làm nơi kinh doanh, sản xuất, thậm chí san lấp xuống đất nông nghiệp…
Từ đất Nhà nước giao trồng rừng trở thành khu vực sản xuất ván bóc rộng lớn mà không bị xử lý. |
Đáng chú ý, lợi dụng san lấp lấy mặt bằng làm nhà xưởng, một số đối tượng đã cho vận chuyển đất ra ngoài tiêu thụ. Có mặt tại khu vực xóm Trại, xã Tân Kim, phóng viên Báo điện tử Xây dựng tận mắt chứng kiến các xe tải vận chuyển đất ra ngoài tiêu thụ. Sau khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, các xe tải và máy xúc đã nhanh chóng di chuyển khỏi hiện trường.
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã liên hệ với ông Phạm Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tân Kim, huyện Phú Bình. Sau khi nắm bắt được nội dung phóng viên phản ánh, thay vì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn địa phương cho kiểm tra, giữ nguyên hiện trường để có biện pháp xử lý dứt điểm từ cơ sở, thì vị Chủ tịch này giải thích qua loa và kết luận với phóng viên rằng, họ chỉ san lấp tại chỗ, sau đó tắt máy hoặc không trả lời cuộc gọi.
Phóng viên cũng gửi những hình ảnh, tư liệu vụ việc san lấp đất trồng lúa của một gia đình ở xóm Tân Thái cho vị Chủ tịch này và yêu cầu xã xác minh, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời nhưng nhiều ngày không thấy trả lời, phóng viên đã chủ động gọi điện yêu cầu cung cấp kết quả kiểm tra, xử lý, thì thật bất ngờ khi vị Chủ tịch này trả lời gọn lỏn rằng, hình ảnh, sự việc này không phải ở Tân Kim, mặc dù sự việc xảy ra cách UBND xã Tân Kim chưa đến 1km.
Khu vực trước và sau khi người dân san lấp ruộng cách UBND xã Tân Kim khoảng gần 1km. |
Có thể thấy, chính sự thờ ơ, có dấu hiệu bao che của vị lãnh đạo đứng đầu địa phương đã phần nào lý giải được câu hỏi của dư luận: Vì sao tình trạng san lấp đất rừng, đất nông nghiệp quy mô lớn lại diễn ra tràn lan ở địa phương này nhiều năm nay mà không được xử lý dứt điểm.
Theo Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013: Hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định… Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng quy định rõ các mức xử phạt liên quan hủy hoại đất tùy theo mức độ từ dưới 0,05ha đến trên 01ha. Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01ha trở lên… Tại Điểm 3 Điều 15, Nghị định này nêu rõ biện pháp khắc phục với hành vi vi phạm hủy hoại đất là “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai” về việc người sử dụng cố ý hủy hoại đất.
Rõ ràng việc san gạt đất lâm, nông nghiệp diễn ra tràn lan tại xã Tân Kim, Phú Bình với diện tích lớn như hiện nay là vi phạm Luật Đất đai. Việc này không chỉ tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, mục đích sử dụng đất mà còn trực tiếp kéo theo nhiều nguy cơ, hệ lụy khác cho xã hội và đời sống dân sinh. Sự việc này sẽ còn diễn biến phức tạp và chưa thể có hồi kết nếu như chính quyền địa phương còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý ngay từ cơ sở.
Từ thực tế trên, đề nghị các cấp chính quyền tại huyện Phú Bình và tỉnh Thái Nguyên cùng các đơn vị liên quan cần sớm vào cuộc, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp, hành động quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, sớm chấm dứt tình trạng san lấp đất trái phép, hủy hoại tài nguyên.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Yên Bình
Theo