(Xây dựng) – Gần đây, người dân xóm Diễn Cầu, xã Tân Đức, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã tự ý đào lòng đường, dựng 2 cột bê tông cao tới gần 1m trong lòng đường nhựa liên xã do huyện quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, sự việc này lại không được xử lý trước sự thờ ơ, thiếu hiểu biết pháp luật của chính quyền địa phương ngay từ cơ sở.
Một số đối tượng xóm Diễn Cầu, Tân Đức, Phú Bình tự ý, công khai đưa máy múc đào lòng đường nhựa liên xã để xây dựng 2 trụ bê tông kiên cố làm hẹp lòng đường trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương (Ảnh: Người dân cung cấp). |
Người dân huyện Phú Bình, Thái Nguyên chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm mới xảy ra của 2 công nhân Khu công nghiệp Điềm Thụy điều khiển xe mô tô tử vong do đâm trực diện vào cống bê tông đặt trên lòng đường của chốt kiểm soát, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông qua khu công nghiệp trong đoạn đang thi công tại khu vực xã Điềm Thụy, thì mới đây trên trục đường chính liên xã thuộc địa bàn xã Tân Đức, huyện Phú Bình, một trong những tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông cao, người dân xóm Diễn Cầu, xã Tân Đức, đã tự ý đổ 2 trụ bê tông cốt thép kiên cố trong lòng đường có chiều cao khoảng 80cm, rộng 60x80 làm hẹp lòng đường, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông đi vào gây hư hỏng đường. Sự việc ngay sau đó đã gây ra nhiều hệ lụy và bức xúc cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, chỉ sau 2 tuần khi các trụ bê tông được dựng lên theo cự ly tùy thích của người dân, chỉ có xe ôtô con, xe máy mới đi qua được, còn những xe khổ lớn hơn như xe khách, xe tải và nhiều các loại xe khác không thể lưu thông qua đây. Nhiều người dân ở xa khi qua đây không biết trụ mới xây, quay đầu xe còn gây cảnh ùn tắc giao thông và cãi vã nhau, nhất là vào giờ cao điểm.
Một tài xế tên L thường xuyên lái xe qua đoạn đường này bức xúc cho biết: “Không hiểu sao đoạn đường này là đoạn đường liên xã do huyện quản lý đang lưu thông bình thường, mà lại để người dân một xóm tự ý xây 2 trụ bê tông như cái bẫy gây cản trở giao thông cả tuyến, sự việc vi phạm pháp luật rõ như vậy mà chính quyền không xử lý kịp thời dứt điểm. Thậm chí, ảnh hưởng tới quyền lợi của chúng tôi vì chúng tôi vẫn nộp phí bảo trì đường bộ cho Nhà nước không thiếu một đồng nào…”.
Người tham gia giao thông bức xúc khi 2 trụ bê tông lớn “mọc lên” trái phép trên đường chính liên xã Tân Đức trước sự bất lực của chính quyền sở tại. |
Anh S một người dân sống gần đó cũng cho biết: “Do đoạn này chất lượng đường kém, không có điện đường, nhất là những lúc thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn, những trụ cột này không có biển cảnh báo nên vô tình đã trở thành những cái “bẫy” rình rập người đi đường. Ngay sau khi những chiếc trụ bê tông này “mọc” lên đã xảy ra không ít vụ đâm va làm sứt trụ bê tông, trơ ra đầu sắt chữ V sắc nhọn ngay ở góc trụ, có những xe đã bị nổ lốp do chạm vào mố sắt này. Nhiều chị em phụ nữ có nắn nót qua được 2 trụ đều không tránh khỏi xây xước vỏ xe, bánh xe do xe chạm vào trụ được xây quá cao và đặt gần nhau như thế…”
Trao đổi với ông Dương Quy - Trưởng xóm Diễn Cầu, ông cũng không ngần ngại chỉ rõ sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương huyện Phú Bình, gây bức xúc cho nhân dân trên tuyến đường này.
Nhưng khi được hỏi, tại sao xóm không báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý đúng luật thì vị trưởng xóm này lại hồn nhiên khẳng định “Làm sao phải báo cáo ai, chúng tôi họp lấy nghị quyết của hơn 300 hộ dân, nhân dân thống nhất, nhân dân yêu cầu là chúng tôi làm, thế thôi…”. Một cán bộ khác của xóm cũng cho biết: “Dân chúng tôi ở đây chúng tôi làm, xã có nắm được không chúng tôi không biết”.
Một xe ôtô va chạm vào cột làm trơ lõi thép chữ V ở góc trụ. |
Khi phóng viên chia sẻ những sự việc trên qua điện thoại với ông Dương Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Tân Đức, huyện Phú Bình nói ngắn gọn: “Giờ đang dịch, xã nhiều việc hẹn trả lời anh (phóng viên) vào thời gian thích hợp”. Trước sự bức xúc ngày càng tăng của những người tham gia giao thông, sau nhiều tuần không thấy ông Hậu trao đổi lại, phóng viên tiếp tục chủ động trao đổi qua điện thoại với vị Chủ tịch này thì nhận được câu trả lời: “Việc này nhạy cảm, ở cơ sở, dân với cán bộ ngăn cách là không được…” và giao cho Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Bàn trả lời báo chí. Cũng không khác gì tư duy của vị Chủ tịch, ông Bàn cũng chỉ có mỗi biện pháp “chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân”.
Rõ ràng, hậu quả báo động khôn lường là vậy nhưng chính sự thờ ơ, tắc trách, không kiên quyết, dứt điểm, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết pháp luật từ các vị cán bộ cơ sở đã tiếp tay cho việc những trụ bê tông trái phép này tồn tại. Đặc biệt, đây lại là tuyến đường liên xã thuộc phạm vi quản lý của huyện.
Những trụ này không những làm mất mỹ quan, mà còn như những cái “bẫy” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Thậm chí, khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai, địch họa… thì những trụ bê tông này sẽ trở thành vật cản vững chắc ngăn cản chính các loại xe cứu thương, cứu hỏa… không thể đi qua để ứng phó và xử lý tình huống cứu dân kịp thời.
Việc người dân tự ý đổ trụ bê tông, tạo chướng ngại vật tại các đường liên thôn, liên xã dù mục đích tốt là để bảo vệ tài sản chung, chống hư hỏng đường xá, song thực tế, giải pháp này không đem lại hiệu quả thiết thực mà còn gây ra nhiều hệ lụy và là hành vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những hành vi bị cấm tại Khoản 2 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đó là các hành vi: Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người tự ý xây bệ, bục trái phép tạo chướng ngại vật sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời buộc phải phục hồi nguyên trạng ban đầu. Trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến vật cản giao thông, cơ quan chức năng sẽ điều tra xem xét để đánh giá mức độ vi phạm và cũng như trách nhiệm của những người liên quan.
Chỉ cần một xe ôtô loay hoay quay đầu khi không qua được 2 trụ bê tông đã gây ách tắc giao thông cả một đoạn dài. |
Ngoài ra, nếu hành vi này gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường bộ tại Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Theo đó, với tội danh này, mức phạt nhẹ nhất là phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu làm chết người hoặc làm tổn hại sức khỏe cho 01 người từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng…
Từ thực tế trên, đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Phú Bình, Thái Nguyên cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đào đường, xây trụ bê tông trái phép trong lòng đường liên xã thuộc địa bàn xã Tân Đức, Phú Bình để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tránh tạo ra những tiền lệ xấu cho người dân Phú Bình.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Việt Hoan
Theo