Top 10 Ứng Dụng Thẻ Thưởng Uy Tín Nhất Năm 2023 - 789club ios

Chủ nhật 13/10/2024 06:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phát triển công trình xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Kỳ II)

09:00 | 22/09/2023

Kỳ II: Cần triển khai tổng hòa các giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

(Xây dựng) - Việc phát triển công trình xanh (CTX), công trình tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư lẫn người sử dụng, tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, việc phát triển CTX còn quá nhiều rào cản. Các đề xuất cho thấy để thúc đẩy phát triển CTX, công trình tiết kiệm năng lượng, cần thực hiện tổng hòa các giải pháp…

Phát triển công trình xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Kỳ II)
Một trong những rào cản trong phát triển CTX là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về CTX chưa được quy định rõ trong văn bản pháp lý.

Còn nhiều rào cản

Theo nhận định của các chuyên gia, nhận thức trong phát triển CTX tại Việt Nam ngày càng được nâng cao và sự tham gia của các doanh nghiệp ngày càng sôi động hơn. Tuy nhiên, như đã đề cập, hiện Việt Nam mới phát triển hơn 300 CTX. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Một trong những lý do là các chủ thể còn gặp nhiều rào cản trong phát triển CTX.

Theo ông Patrick Liau - Tổng Giám đốc khu vực miền Bắc CapitaLand rào cản lớn nhất là nhận thức của chính người dùng về CTX. “Thách thức đặt ra hiện nay chính là làm sao nhấn mạnh được nhu cầu, lợi ích của các CTX tới người dùng và chủ đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển CTX, khích lệ người dân sử dụng và sống trong các công trình này”. “Có một lợi thế cần nhấn mạnh cho người dùng chính là CTX tiết kiệm hiệu quả năng lượng, giảm chi phí dịch vụ. Mức năng lượng tiêu hao thấp hơn thì chính người dân sống trong tòa nhà xanh đó nhận biết được rõ ràng nhất và được hưởng lợi”, ông Patrick Liau nói.

Rào cản về pháp lý cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Hiện nay, các quy định, định nghĩa về CTX chưa thực sự rõ ràng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về CTX chưa được quy định rõ trong văn bản pháp lý. Quá trình thẩm định CTX diễn ra lâu do phải lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp. Chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể cho nhà đầu tư CTX và các nhà cung cấp vật liệu xây dựng xanh đầu vào chưa có…

Hơn nữa, đầu tư CTX có thể tăng chi phí hơn so với công trình xây dựng bình thường. Điều này làm khó các chủ đầu tư, nhất là nhà đầu tư khối Nhà nước.

Đề xuất tiếp cận nguồn tài chính xanh

Trước những rào cản nói trên, vậy đâu sẽ là giải pháp thúc đẩy phát triển CTX, công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam? Theo các doanh nghiệp, muốn phát triển CTX hiệu quả thì phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ. Ông Nguyễn Minh Hà - Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Văn Phú Invest đề xuất: Cơ quản quan lý Nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn về CTX và các chính sách hỗ trợ CTX. Các quy định phải rõ hơn, cụ thể hơn trong văn bản pháp lý.

Bộ Xây dựng cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần sớm có tiêu chuẩn về vật liệu xanh đầu vào, “dán nhãn” chứng nhận cho vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng…

Phát triển công trình xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Kỳ II)
Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội với suất đầu tư thấp cũng có thể phát triển thành CTX nếu có giải pháp phù hợp và tư vấn xanh tham gia dự án ngay từ giai đoạn đầu.

Ông Philip Đặng Minh Phương - Giám đốc điều hành Saint Gobain Việt Nam khu vực miền Bắc - đề xuất tạo ra một danh sách vật liệu xanh. “Giống như tại Singapore, họ công bố và sử dụng danh sách vật liệu xanh, giúp doanh nghiệp xác nhận thông tin nhanh hơn, công bằng và minh bạch hơn. Từ đó, các khâu thiết kế, thẩm định, cấp chứng chỉ xanh cũng sẽ diễn ra nhanh hơn, thay vì như hiện nay, khi thẩm định phải kiểm tra các nguồn vật liệu có đạt các tiêu chí về xanh hay không”, ông Phương phân tích.

Đại diện các doanh nghiệp cũng kỳ vọng tiếp cận các quỹ tài chính xanh, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi. Ông Douglas Lee Snyder - Giám đốc điều hành Hội đồng CTX Việt Nam cho rằng: Các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh là góp phần tạo sự công bằng, mọi người đều có cơ hội tiếp cận toàn nhà xanh, được sống trong tòa nhà xanh. Hiện nay các tổ chức định chế tài chính lớn như IFC, KfW của Đức hỗ trợ các dự án phát triển, trong đó có cho vay các nguồn vốn xanh, tín dụng ưu đãi.

Ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia về CTX của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng cho biết: IFC tạo ra thị trường CTX để cho các định chế tài chính cũng như các ngân hàng, các quỹ đầu tư cùng tham gia. Để cho doanh nghiệp chạm đến nguồn vốn và tài chính xanh, cần phải sớm tháo gỡ cơ chế để các định chế tài chính có thể tham gia được vào thị trường. Khi các ngân hàng tham gia thị trường CTX thì thị trường sẽ sôi động hơn, giúp các chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn và tiếp tục phát triển CTX.

Ông Hà Tất Thắng - Đại diện Tập đoàn Capital House đề xuất: Triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ngân hàng đang áp dụng ưu đãi cho vay đầu tư nhà ở xã hội thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thương mại. Chúng tôi đề xuất các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng, hình thành quỹ tài chính xanh hợp lý, có thể áp dụng ưu đãi giống như cho vay đầu tư nhà ở xã hội cho CTX.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng Chính phủ cần có cơ chế như miễn giảm các loại thuế, phí có liên quan, nhằm thúc đẩy phát triển các CTX, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả…

Đề cập đến việc đầu tư cho công trình xanh đắt hay không đắt? ông Trịnh Tùng Bách -chuyên gia tư vấn CTX độc lập - cho biết: Việc phát triển xanh hoàn toàn không khó, không quá đắt nếu chủ đầu tư tiếp cận ngay từ ban đầu, có cái nhìn nhìn tổng quan về CTX, từ giai đoạn lên ý tưởng kiến trúc, thiết kế đến lựa chọn vật liệu, thiết bị, công nghệ sử dụng trong tòa nhà… Khi đó, chi phí đầu tư thấp.

Nhưng nếu đầu tư xanh vào giai đoạn sau, việc điều chỉnh thiết kế, thay thế vật liệu xanh, thiết bị, công nghệ hiệu quả năng lượng cho công trình sẽ khiến chi phí đội lên cao.

Bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình CTX tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng cho rằng: Đầu tư xanh có nhiều mức độ, mức nhỏ nhất có thể tiết kiệm giảm 20% năng lượng sử dụng, mức lớn nhất là công trình tự cân bằng năng lượng, phát thải ròng bằng 0 - Net Zero. Doanh nghiệp tham vọng làm xanh đến đâu thì đầu tư ở mức đó. Chi phí đầu tư xanh sẽ tăng lên tương ứng theo mức mà doanh nghiệp chọn.

Phát triển công trình xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Kỳ II)
Doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng công bố công khai danh sách vật liệu xanh, trong đó có kính tiết kiệm năng lượng low –e nhằm phục vụ phát triển CTX.

Cần triển khai tổng hòa các giải pháp

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng: Để phát triển CTX, thúc đẩy chuyển đổi xanh của ngành Xây dựng hiệu quả thì cần thực hiện một số giải pháp trọng yếu. Đó là chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về xanh trong quá trình xây dựng; ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, CTX, phát thải thấp, trung hòa carbon.

Bên cạnh đó, lồng ghép phát triển CTX với các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch có liên quan cấp quốc gia và của Ngành. Đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan, đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm VLXD xanh.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, cơ chế ưu đãi phát triển các dự án, CTX như ưu đãi về thủ tục, tín dụng xanh, các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch.

Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các CTX, giảm phát thải, trung hòa carbon cả ở phía các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách và phía các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, trang thiết bị, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công xây dựng và người sử dụng công trình…

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành báo cáo rà soát Luật Sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, đã trình Chính phủ quý II/2022. Theo tiến độ dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật Sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024; Quốc hội xem xét và thông qua vào năm 2025.

“Trong dự thảo Luật sửa đổi sẽ làm rõ các giải pháp, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính ưu đãi cho công trình sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả”, ông Vũ cho biết.

Đến từ Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Mai Xuân Dung cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường đối với các dự án được vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Đây là quyết định quan trọng vì các dự án được đưa vào danh mục sẽ phải thật sự xanh và được công nhận. Những dự án này sẽ nhận được chính sách ưu đãi như có thể vay các nguồn tín dụng xanh, hỗ trợ về tỷ suất, phát hành trái phiếu huy động nguồn vốn...

Đối với các công trình xây dựng, ông Dung đề nghị tới đây Bộ Xây dựng quan tâm, hỗ trợ, cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đưa được các dự án CTX vào danh mục. Nhưng CTX phải rõ từ định nghĩa, tiêu chí đến quy chuẩn, tiêu chuẩn…

“Các tiêu chí CTX phải rõ ràng thì mới xem xét đưa được vào danh mục, các ngân hàng yên tâm cho vay”, ông Dung nhấn mạnh.

Với các giải pháp tổng hòa nói trên, hy vọng thời gian tới, việc phát triển CTX, các công trình TKNL sẽ tăng tốc, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.

Đại Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load