(Xây dựng) – Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đang ngày càng phát triển với một số lượng lớn các nhà máy, trạm nghiền và đã đến lúc các nhà sản xuất xi măng, quản lý môi trường, quản lý xã hội cần nhìn nhận vấn đề đốt rác thải trong lò quay sản xuất xi măng như một trong những yêu cầu của sự phát triển bền vững, góp phần giảm tiêu hao, tiết kiệm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm. Ngoài ra, việc khai thác đá làm xi măng, làm vật liệu xây dựng vừa nhanh cạn kiệt nguồn tài nguyên vừa ảnh hưởng tới nguồn cung trong nhiều ngành nghề khác, như nghề đá mỹ nghệ. Thực tế, tại huyện Hoa Lư một số doanh nghiệp có dấu hiệu khai thác mỏ đá vượt chỉ giới cần được tỉnh Ninh Bình kiểm tra, làm rõ.
Khu vực mỏ đá được người dân phản ánh: Công ty TNHH Duyên Hà khai thác vượt chỉ giới, xâm lấn sang khu mỏ quy hoạch cho làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. |
Theo các chuyên gia, bùn thải tại nhiều sông, hồ như ở nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Hồ Tây, Hoàn Kiếm...) có chứa nhiều chất hữu cơ, nên có thể tận dụng làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng. Giải pháp này không chỉ mở ra tương lai cho việc làm sạch các sông, hồ, mà còn cải thiện vấn đề nguyên liệu.
Từng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Nhận - thành viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tiềm năng xử lý chất thải trong ngành xi măng rất lớn, bởi giải pháp này có thể xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại với khối lượng lớn, do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác.
Đặc biệt, quá trình xử lý chất thải trong ngành xi măng cũng góp phần cho tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7; nhờ đó không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Được biết, từ cuối năm 2019, Vicem đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng đồng thời tăng sử dụng tro xỉ và thạch cao nhân tạo… Năm 2021, Vicem đã nâng khối lượng xử lý bùn thải lên 70.000 tấn, giúp thay thế 3-5% khối lượng nguyên liệu sét trong nguyên liệu sản xuất xi măng. Trước những kết quả khả quan của công nghệ đưa chất thải vào làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng, từ cuối năm 2021, Vicem Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị đã xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại. Trên cơ sở đó, kế hoạch trong năm 2022 của Vicem là sẽ xử lý 86.000 tấn bùn thải.
Người dân phản ánh, các nhà máy sản xuất xi măng tại Hoa Lư là tác nhân gây ô nhiễm không khí và đề nghị xem xét chuyển đổi công năng của những nhà máy này. |
Trở lại tỉnh Ninh Bình, nơi có nhiều nhà máy sản xuất xi măng, bởi sẵn nguồn nguyên liệu mỏ đá tự nhiên. Tuy nhiên, tại Ninh Bình không chỉ có các nhà máy xi măng, ngành vật liệu xây dựng cần tới nguyên liệu đá mà còn có cả nghề đá thủ công mỹ nghệ Ninh Vân có truyền thống hàng trăm năm tuổi; đá trang trí, ốp lát. Song, hiện nay một số doanh nghiệp khai thác tràn lan, vượt chỉ giới mốc giới xâm lấn sang cả khu vực không được cấp phép, ảnh hưởng tới mỏ và khu vực của làng nghề đá thủ công mỹ nghệ như đơn thư phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng.
Theo phản ánh của Hội làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư: Hiện có một số công ty khai thác đá được cấp giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng và tuyển chọn đá mỹ nghệ như: Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Thành, Doanh nghiệp tư nhân Hệ Dưỡng, Công ty TNHH Đá Việt Hồng Quang. Trên thực tế, gần như chỉ Công ty TNHH Đá Việt Hồng Quang thực hiện tương đối đúng giấy phép, còn các doanh nghiệp khác hầu như chỉ tập trung khai thác đá rồi nghiền bán đá làm vật liệu xây dựng, việc tuyển chọn đá mỹ nghệ phục vụ làng nghề gần như không được các doanh nghiệp này thực hiện đúng theo giấy phép được cấp, dẫn tới ảnh hưởng nguyên liệu đá mỹ nghệ.
Mặc dù có bản đồ, mốc giới rõ ràng, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình khai khác ngoài chỉ giới, mốc giới. |
Ở một khía cạnh khác, người dân địa phương mong muốn chính quyền xem xét đưa khu vực đỉnh Nhang Án hiện đang cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Thành khai thác vào diện bảo tồn, phát triển du lịch, bởi nơi đây có đền thờ một vị quan từ lâu đời dưới chân đỉnh Nhang Án và là khu vực tọa độ quân sự.
Ngoài ra, theo tìm hiểu được biết, trước đó Công ty TNHH Duyên Hà khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn (Tam Điệp), Công ty TNHH Duyên Hà đã làm sạt lở, vùi lấp hàng chục nghìn mét vuông rừng phòng hộ tại khu vực thành phố Tam Điệp.
Theo Báo cáo số 01/BC-KL ngày 7/1/2020 của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp về việc Kết quả kiểm tra hoạt động khai thác đá tại Công ty TNHH Duyên Hà chỉ rõ: Trong quá trình khai thác đá tại các vị trí thuộc phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp) đã gây sạt lở đất, đá xuống phía dưới, vùi lấp diện tích rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp đang giao khoán.
Theo Kết luận Thanh tra số 2910/KLTTr-ĐCKS ngày 26/10/2020 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng chỉ ra nhiều vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà về khai thác khoáng sản. Cụ thể, việc khai thác khoáng sản đi kèm (đôlômít) năm 2017, 2018 và 2019 đối với Giấy phép số 578/GP-BTNMT ngày 26/4/2012 và giấy phép số 1417/GP-BTNMT ngày 11/6/2015 nhưng chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Duyên Hà đã khai thác ra ngoài diện tích khu vực khai thác theo Giấy phép số 578/GP-BTNMT ngày 26/4/2012 (khu vực phía Tây khối 1-333 khoảng 3ha và khu vực phía Đông khối 3-333 khoảng 1,7ha).
Riêng năm 2017, Công ty Duyên Hà đã khai thác tại đường vận chuyển chính nối dây chuyền 1 và dây chuyền 2 nằm ngoài ranh giới mỏ với diện tích khoảng 0,6ha với khối lượng 296.252 tấn. Năm 2018, Công ty TNHH Duyên Hà đã khai thác vượt công suất được phép khai thác nếu trong giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT ngày 11/6/2015 là 1,3%.
Ông Vũ Ngọc Tuyên – Chủ tịch UBND xã Ninh Vân thông tin: Hiện nay, các doanh nghiệp có mỏ trên địa bàn vẫn đang khai thác đúng giấy phép được cấp, tỉnh thường xuyên kiểm tra, nhưng chưa phát hiện có sai phạm gì. Phía xã cũng chưa phát hiện có sai phạm gì. Khu vực đỉnh Nhang Án xã cũng đã có báo cáo với cấp trên nguyện vọng của người dân, nhưng thực tế mỏ này đã cấp cho doanh nghiệp khai thác trước đó nên hiện vẫn phải thực hiện.
Đỉnh Nhang Án được người dân đề nghị đưa vào diện bảo tồn để phát triển du lịch. |
Khảo sát thực tế tại các khu vực mỏ đá của các doanh nghiệp nói trên, người dân chỉ cho phóng viên khu vực mỏ đá do Công ty TNHH Duyên Hà khai thác có dấu hiệu vượt chỉ giới, mốc giới, xâm lấn vào khu vực mỏ được quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Thậm chí, doanh nghiệp tư nhân Hệ Dưỡng khai thác xâm lấn cả vào khu vực mỏ của doanh nghiệp khác.
Như vậy, việc khai thác đá dù làm nguyên liệu sản xuất xi măng hay làm vật liệu xây dựng, tuyển chọn đá mỹ nghệ cũng cần phải khai thác đúng quy định của pháp luật, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cơ quan liên quan vào cuộc xác minh, tìm hiểu thông tin người dân phản ánh và có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất xi măng như Công ty TNHH Duyên Hà cũng cần đẩy nhanh giải pháp bổ sung thêm nguồn nguyên liệu khác như bùn thải, tro xỉ, rác thải… dần hướng tới sản xuất xi măng xanh, bảo vệ môi trường và tài nguyên.
Đỗ Quang – Tuấn Nghĩa
Theo