(Xây dựng) - Qua thực thi các quy định pháp luật về chất lượng công trình xây dựng hiện nay cho thấy, công tác kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình đã và đang ngày càng chặt chẽ. Thông qua công tác tiền kiểm (thẩm định thiết kế), hậu kiểm (kiểm tra công tác nghiệm thu) đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn đầu tư công.
Nhiều doanh nghiệp đã tự thiết kế và làm tổng thầu thi công những công trình lớn, kỹ thuật phức tạp. (Ảnh: Yên Thư) |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hàng năm cả nước có khoảng 35.000 đến 50.000 công trình được triển khai thi công xây dựng. Phần lớn các công trình đã được thi công đảm bảo chất lượng theo thiết kế. Tuy nhiên, có một số rất ít công trình tồn tại về chất lượng và công tác quản lý chất lượng. Sự cố công trình có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chiếm tỷ lệ thấp khoảng 0,1% tổng số công trình được xây dựng hàng năm.
Cho đến nay, các chủ thể tham gia xây dựng công trình đã có ý thức tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng. Doanh nghiệp xây dựng trong nước đã vươn lên làm chủ được nhiều công nghệ, vật liệu mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thiết kế, thi công xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã tự thiết kế và làm tổng thầu thi công những công trình lớn, kỹ thuật phức tạp.
Bộ Xây dựng cho biết, việc quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chính gồm 02 Luật, 04 Nghị định, 03 Thông tư và nhiều Tiêu chuẩn, Quy chuẩn. Hệ thống pháp luật này đã được ban hành cơ bản đầy đủ đáp ứng yêu cầu điều chỉnh toàn diện các chủ thể liên quan đến chất lượng công trình xây dựng, đồng thời quy định rất chi tiết từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu cho đến bảo trì công trình xây dựng.
Hàng năm cả nước có khoảng 35.000 đến 50.000 công trình được triển khai thi công xây dựng. (Ảnh: Yên Thư) |
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng đã bổ sung nhiều điểm mới trong công tác quản lý chất lượng công trình so với thời gian trước như: Thứ nhất, phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Thứ hai, tăng cường việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án đầu tư, công trình xây dựng. Thứ 3 là tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương. Thứ 4 là bổ sung các quy định về đánh giá an toàn công trình trong quá trình vận hành, xử lý đối với các công trình hết niên hạn sử dụng. Thứ 5, bổ sung các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia cốt lõi phục vụ thiết kế công trình. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế này đều phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật bản, Trung Quốc. Công bố các tài liệu Hướng dẫn phòng chống thiên tai, gió bão và thường xuyên, định kỳ hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho các địa phương…
Đối với các công trình ăn ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình thường hay bị gãy đổ qua các mùa mưa bão trước đây (đặc biệt giai đoạn từ năm 2012 – 2015), Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy trình kiểm định các công trình ăn ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình và yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.
Ngọc Hà
Theo