(Xây dựng) - Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietbuild 2020 đang diễn ra tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Công nghệ và vật liệu đột phá trong ngành xây dựng thời kỳ hậu Covid-19”. Đặc biệt là mục tiêu loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thăm một gian triển lãm công nghệ mới tại Vietbuild Hà Nội lần 2- 2020. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, nhờ kiểm soát dịch tốt, kinh tế Việt Nam năm nay được dự báo sẽ tăng trưởng dương. Ngành Vật liệu xây dựng nhờ đó vẫn giữ được những con số khả quan. Tính đến hết tháng 10 kính xây dựng đạt được hơn 170 triệu m2, sứ vệ sinh cũng đạt mốc 13 triệu sản phẩm, lĩnh vực xi măng đạt 74 triệu tấn… Đặc biệt, ngành Sản xuất xi măng không chỉ đạt được mục tiêu sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường bất động sản được đánh giá là có nhiều tín hiệu tích cực trong năm tới. Đây là cơ hội để lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Tại Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 -2030, định hướng đến năm 2050 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phê duyệt vào tháng 8/2020 vừa qua. Chiến lược hướng đến 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, phát triển ngành Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cao trên thị trường quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Thứ hai, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Tại Hội thảo các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đánh giá các tác động của dịch Covid-19 đối với tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành này, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đã, đang và sẽ áp dụng tại Việt Nam, phục vụ cho các công trình xây dựng, làm bền, đảm bảo an toàn và phát triển, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt là việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng với công nghệ chống cháy hiện đại cũng được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy cho các công trình cao tầng. Ngoài vữa cách nhiệt chống cháy, giải pháp chèn khe chống cháy… các sản phẩm chống cháy được sử dụng ngày một nhiều trong các công trình cao tầng.
Hiện tại ở Việt Nam, các loại hóa chất, chất phủ Nano chống cháy cho gỗ và các loại vật liệu xây dựng khác phù hợp QCVN 06/2020, có 3 dòng sản phẩm nổi bật: Firegreen là dung dịch Nano chống cháy lan cho gỗ nội thất như nhà, cửa gỗ, mái kèo gỗ, ván MDF, Plywood… hay gỗ dùng trong hầm lò, quân sự. Flamesave-23 là chất phủ Nano chống cháy, cách nhiệt cho gỗ. So với Firegreen là dung dịch có tác dụng chống cháy lan nhưng không bảo vệ được nguyên vẹn bề mặt gỗ, Flamesave-23 có thể bảo vệ nguyên vẹn bề mặt gỗ ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa trong thời gian lên đến 60 phút. Cuối cùng là Flamesoft, là dung dịch Nano thẩm thấu chống cháy cho vải, mút xốp cách nhiệt…
Công nghệ Nano chống cháy cho vật liệu xây dựng được giới thiệu tại Hội thảo. |
Với chiết xuất từ thiên nhiên nên an toàn và thân thiện môi trường, Nano chống cháy còn góp phần chống mối mọt, côn trùng và các tác nhân phá hại sinh học. Ngấm sâu vào bên trong lớp gỗ, hiệu quả lâu dài hơn 10 năm. Đạt chuẩn chống cháy nhóm 1 (Class A) cho gỗ; Khi bị đốt trực tiếp dưới ngọn lửa thì chỉ bị hoá than vùng tiếp xúc với lửa, còn các vùng khác không cháy. Khi tiếp xúc với lửa sẽ không tạo ra khói đen, ngoài ra cũng không cháy bùng thành ngọn, không cháy bén, không làm thay đổi lý tính và vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của gỗ. Liều lượng thấp, chỉ cần quét 1 lớp, do đó nâng cao chất lượng gỗ để có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch Công ty Miviko Việt Nam cho biết: “Các nguyên nhân cháy nổ đa phần xuất phát từ vật liệu dễ bắt cháy, Bộ Xây dựng đã bổ sung thêm trong quy chuẩn 06/2020 quy định vật liệu sau khi xử lý phải không bắt cháy ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa trong thời gian lên tới 20 phút, song song với đó phải không thải ra khói độc hay rất ít khói”.
TS. Nguyễn Quang Cung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khẳng định: “Trong tương lai, ngành Vật liệu xây dựng sẽ là ngành đi theo kinh tế tuần hoàn, không có chất thải và sử dụng chất thải của các ngành khác để sản xuất nguyên vật liệu. Những vật liệu mới, được sản xuất với công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường sẽ được các chủ đầu tư lựa chọn nhiều hơn để áp dụng vào các dự án mới triển khai xây dựng”.
Lê Mỹ
Theo