(Xây dựng) – Ngày 26/12, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã tổ chức Hội thảo Tổng kết thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng thực nghiệm các công trình trên biển đảo”.
Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Trong Quyết định 571/QĐ-BXD ngày 21/05/2015 của Bộ Xây dựng về việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao 9 nhiệm vụ cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng, Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi và Học viện khoa học quân sự phối hợp thực hiện với một số đối tác doanh nghiệp.
Tính đến nay, tất cả các nhiệm vụ đều đã được triển khai ở 37 tỉnh, thành phố, bắt đầu sớm nhất từ năm 2016 và cơ bản kết thúc vào cuối năm 2019.
Vì ý nghĩa quan trọng của các nhiệm vụ, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng tổ chức Hội thảo tổng kết quá trình thực hiện 9 nhiệm vụ, kết quả đạt được và những việc cần phải làm trong thời gian tới.
Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu chỉ đạo Hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Đối với công trình ven biển, chúng ta phải giải quyết từ việc sử dụng vật liệu địa phương như thế nào, sử dụng sơn và phụ gia khác nhằm đảm bảo công trình bền vững, chống được sự xâm thực của nước biển. Đối với yêu cầu sử dụng cốt kim loại và phi kim loại trong bê tông, chúng ta phải có những khuyến cáo cho các nghiên cứu tiếp theo về tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đối với công tác xây dựng các công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật trên đảo, vận chuyển và khai thác vật liệu địa phương, chúng ta cũng cần tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật của các nước phát triển trên thế giới, ví dụ như Trung Quốc hay Nhật Bản...”.
Sau đó, các đơn vị đã lần lượt trình bày báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. Mở đầu là báo cáo nhiệm vụ “Nghiên cứu tổng quan và đề xuất nhiệm vụ xây dựng công trình dân dân dụng và hạ tầng kỹ thuật ven biển và trên đảo, giai đoạn 2016 – 2025” của Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Kết quả nghiên cứu đã nêu ra tổng quan các vấn đề liên quan đến xây dựng công trình và hạ tầng kỹ thuật ven biển và trên đảo, đồng thời xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng một số công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật trên các đảo ven biển Việt Nam như: Cát Bà, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Thổ Chu... Kết quả khảo sát đưa ra các hiện trạng về điều kiện tự nhiên tại vị trí xây dựng công trình; vật liệu sử dụng; công nghệ thi công; tình trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình... Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra các phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp xây dựng công trình - hạ tầng kỹ thuật ven biển và trên đảo.
Nhóm kết cấu công nghệ xây dựng có 4 báo cáo. Đầu tiên là báo cáo “Nghiên cứu giải pháp công trình bảo vệ bờ biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế” của Đại học Xây dựng. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra 2 nhóm sản phẩm.
Nhóm thứ nhất là giải pháp hệ kết cấu bảo vệ bờ sử dụng cọc cừ UHPC+GFRP, hoặc sử dụng cọc cừ thép dập nguội; Mẫu cấu kiện khối phá sóng cỡ lớn phù hợp với điều kiện thi công ngoài đảo và Hỗn hợp trộn vật liệu tại chỗ + chất kết dính để làm vật liệu gia cố tại chỗ. Nhóm thứ hai là Báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng các giải pháp kỹ thuật bảo vệ biến, đảo và Hướng dẫn kỹ thuật một số giải pháp bảo vệ bờ biển, đảo phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Học viện Khoa học quân sự cũng đóp góp “Nghiên cứu giải pháp bảo vệ gia cường kết cấu công trình xây dựng trên các đảo xa, đảọ gần bờ và các công trình ven biển chịu chấn động do nổ trong quá trình thi công”. Sản phẩm của đề tài này là Xây dựng và thử nghiệm kết cấu cột bê tông, kết cấu dầm bê tông cốt thép và tường gạch. Tất cả đều được thử nghiệm với các điều kiện không gia cường, gia cường bằng vật liệu FRP hoặc sơn Pulyurea.
Ngoài ra, đề tài còn đóng góp một số giải pháp kỹ thuật như: Bộ các giải pháp kỹ thuật gia cường kết cấu công trình trên đảo chịu sóng chấn động do nổ; Bộ số liệu thử nghiệm vật liệu, kết cấu công trình điển hình sau khi được gia cường; Quy trình kỹ thuật công tác đánh giá, kiểm định chất lượng kết cấu gia cường...
Trong khi đó, Đại học Thủy lợi đã thực hiện “Nghiên cứu chế tạo cấu kiện tường biển có mũi hắt sóng phục vụ xây dựng công trình bảo vệ bờ đảo và bờ các khu đô thị, khu du lịch ven biển”. Nghiên cứu đã cho ra 9 sản phẩm, nổi bật là Bản thiết kế một số dạng tường biển có mũi hắt sóng bảo vệ bờ biển, khu đô thị, du lịch ven biển; Một số cấu kiện tường biển có mũi hắt sóng được lắp đặt thử nghiệm ngoài hiện trường, hay Bộ số liệu thí nghiệm trên mô hình vật lý xác định hiệu quả làm việc của tưởng biển có mũi hắt sóng.
Báo cáo cuối cùng trong nhóm kết cấu công nghệ xây dựng là “Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo” của Viện khoa học công nghệ xây dựng. Đề tài này đã cho ra nhiều sản phẩm có thể áp dụng vào thực tế như lựa chọn thành công vật liệu: Bê tông tiên tiến cho kết cấu công trinh xây dựng công cộng phù hợp với môi trường trên đảo và Liên kết cho mối nối khô, UHPC, vữa chèn để bảo vệ các mối nối; Cải tiến thành công: Giải pháp lắp ghép sử dụng UHPC, HSPC cho kết cấu chịu lực; Thiết kế, chế tạo thành công nhà mẫu (tổng diện tích sàn 180m2) với đầy đủ hơn 350 cấu kiện đúc sẵn; Mô-đun hóa được các cấu kiện về kiến trúc, kết cấu; Chế tạo và mô-đun hóa thành công các kết cấu đúc sẵn hạ tầng kỹ thuật như bể chứa nước, bể phốt...
Ở nhóm hạ tầng kỹ thuật và môi trường, Đại học Xây dựng đóng góp 2 báo cáo. Trong đó, báo cáo “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cho các điểm dân cư trên đảo theo định hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” có sản phẩm là Tài liệu hướng dẫn quy hoạch; Thiết kế hạ tầng kỹ thuật các điểm dân cư tập trung trên trên đảo và Bộ thiết kế điển hình một số hạng mục công trình phục vụ lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
Toàn cảnh Hội thảo tổng kết thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng thực nghiệm các công trình trên biển đảo”. |
Báo cáo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý chất thải nhà tiêu, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn theo hướng vệ sinh sinh thái, khép kín, phù hợp với biển đảo” thì đưa ra 7 giải pháp xử lý chất thải nhà tiêu, chất thải rắn và nước thải với các vật liệu tại chỗ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ở nhóm kinh tế và định mức xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) có 2 báo cáo: “Nghiên cứu xây dựng định mức dự toán xây dựng công trình trên biển và hải đảo phù hợp với điều kiện, tính chất, biện pháp thi công và công nghệ xây dựng đặc thù trên biển và hải đả và “Nghiên cứu xác định chỉ tiêu suất chi phí xây dựng phù hợp với công trình xây dựng trên biển và đảo”.
Sau khi kết thúc phần tham luận, các chuyên gia và đại biểu đã chuyển sang thảo luận để xác định những việc cần làm để phát triển hơn nữa công nghệ xây dựng trên biển và đảo trong thời gian tới.
Hữu Mạnh
Theo