(Xây dựng) - Hiện nay, hệ thống pháp lý và các chính sách nhằm thúc đẩy việc áp dụng BIM về cơ bản đã định hình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng BIM trong thực tế. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang tổ chức nghiên cứu xây dựng nền tảng Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên toàn quốc.
Việc áp dụng BIM rút ngắn thời gian thi công xây dựng so với tiến độ được duyệt. |
Tổng kết thực hiện “Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng (BIM)” (Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 và kết thúc vào năm 2021) và kết quả theo dõi, đánh giá việc áp dụng BIM trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng nhận định rằng việc ứng dụng BIM trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý dự án, quản lý khai thác vận hành công trình đã mang lại những lợi ích, hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể: Việc áp dụng BIM đã giảm thiểu việc sửa chữa, điều chỉnh thiết kế kéo theo tiết kiệm đáng kể chi phí vật tư, vật liệu, nhân công lao động, xe máy thi công và góp phần giảm chi phí của dự án (mức tiết kiệm chi phí của dự án – chi phí quy đổi đến 12% chi phí xây dựng của dự án); rút ngắn thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi (mức độ giảm khoảng từ 17%-22% thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi); rút ngắn thời gian thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (mức độ giảm từ 15-35% thời gian thiết kế; giảm yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế); rút ngắn thời gian thi công xây dựng (từ 12-15% so với tiến độ được duyệt).
Việc trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện dự án được thuận lợi do việc áp dụng BIM đã thiết lập được môi trường làm việc chung, làm việc trên môi trường số, đã và đang trở thành một trong những điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của việc chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Từ kết quả tổng kết thực hiện Đề án 2500, Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt; giai đoạn 2 là từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.
Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, chủ đầu tư cung cấp tệp tin BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng theo lộ trình: Công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026 bổ sung thêm công trình cấp II.
Bộ Xây dựng hiện đang tổ chức nghiên cứu xây dựng nền tảng Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên toàn quốc.
Mục tiêu xây dựng Nền tảng, bên cạnh giúp trực quan hóa quy hoạch xây dựng khu vực (kết hợp ứng dụng công nghệ GIS), cung cấp thông tin phục vụ công tác thẩm định, cấp phép, quản lý hoạt động xây dựng, nền tảng còn có thể giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý có hiệu quả hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung, phục vụ quá trình nghiên cứu, quản lý kiến trúc, tổ chức quá trình xây dựng một cách tổng thể.
BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan đến công trình trong toàn bộ vòng đời của nó được lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Bất kỳ sự thay đổi của thành phần nào trong mô hình cũng sẽ được tự động cập nhật cho toàn bộ hệ thống. Do đó, việc áp dụng BIM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia, tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình. |
Gia Bảo
Theo