(Xây dựng) - Trong mấy năm trở lại đây, giới đầu tư bất động sản chứng kiến sự chuyển mình vượt trội của nhà đất Đà Lạt. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã quy tụ về đây với mong muốn xây dựng loạt siêu dự án quy mô.
Cao tốc Liên Khương – Dầu Giây là cú hích hạ tầng lớn thúc đẩy thị trường bất động sản Lâm Đồng thu hút các nhà đầu tư lớn. |
Vừa qua (ngày 28/7), UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 5310 lựa chọn Công ty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh là đơn vị nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực đô thị phía Đông thành phố Đà Lạt với quy mô khoảng 530ha.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu ý tưởng quy hoạch gồm một phần phường 9 (quy hoạch phân khu A9, B3), phường 11 (quy hoạch phân khu Ca, C2, C3) và phường 12 (khu vực hồ Than Thở). UBND tỉnh Lâm Đồng lưu ý nội dung ý tưởng thiết kế quy hoạch phải dựa trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết trước Đại Quang Minh, hồi đầu tháng 7 một liên danh gồm Công ty cổ phần Hưng Thịnh - Công ty Đèo Cả và Công ty Nam Miền Trung Group đã đề xuất lên UBND tỉnh Lâm Đồng lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án với diện tích 15.000ha.
Theo đó, khu vực 15.000ha mà Liên danh đề xuất bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô (huyện Lâm Hà) và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp (huyện Đức Trọng). Mục tiêu hình thành một khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng, trong đó nổi bật là đô thị kết hợp với khoa học - giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái - dịch vụ.
Trước đó không lâu, Công ty Cổ phần Golden City đã có văn bản đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án có diện tích khoảng 165ha tại đồi Đa Phú, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu dự án là tạo lập khu đô thị sinh thái, kết hợp thương mại du lịch nghỉ dưỡng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn thiện phát triển kết nối toàn diện cho khu vực; tạo quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại, xã hội theo nhu cầu thực tế của địa phương, thu hút vốn đầu tư,...
Theo Quyết định 1409 ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thành phố Đà Lạt thì vị trí lô đất được xác định thuộc phạm vi quy hoạch đất rừng phòng hộ. Theo đó, UBND thành phố Đà Lạt đồng ý để Công ty Cổ phần Golden City tìm hiểu quy hoạch, khảo sát, tìm kiếm địa điểm đầu tư.
Ngoài những doanh nghiệp trên, tại Đà Lạt Novaland cũng đang xây dựng siêu dự án nghỉ dưỡng NovaWorld Đà Lạt, tọa lạc trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với quy mô 650ha và 183ha diện tích mặt hồ, bao gồm các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại, nhà phố, căn hộ, khách sạn…
Dự án được chia làm 4 khu chính: Sping - Autumn - Summer - Winter, diện tích đất thuộc mỗi căn biệt thự trung bình từ 200 - 600m2. Novaworld Đà Lạt được giới thiệu sẽ phát triển trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đa chức năng (Intergrated Resort) tương tự như NovaWorld Hồ Tràm, NovaWorld Phan Thiết. Tiện ích của dự án bao gồm các công viên chủ đề, sân Golf, vườn thú Safari, hồ bơi, phố ẩm thực, vườn nướng BBQ, khu thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em…
Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup cũng đang âm thầm xây dựng kế hoạch triển khai dự án Vinpearl Đà Lạt bên hồ Tuyền Lâm. Dự án hứa hẹn sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng quy mô lớn bậc nhất tại thành phố ngàn hoa theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng 5 sao, vượt trội về thiết kế, đa dạng về tiện ích nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng thượng lưu cho du khách.
Cuộc đổ bộ của hàng loạt đại gia bất động sản về Đà Lạt cho thấy được tiềm năng phát triển đa dạng của nơi đây cực kỳ lớn. Theo các chuyên gia, khi hạ tầng mở lối đã phá vỡ mọi khoảng cách sự gia nhập của những "đại gia" bất động sản sẽ mở ra một chương mới cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Lath. Theo đó, Đà Lạt không chỉ là thiên đường của những HomeStay mà còn là chốn nghỉ dưỡng đẳng cấp với những đại dự án.
Nhi Nhi
Theo