(Xây dựng) - “Nếu hiến 43/92m2 đất để làm đường dân sinh, mất đi hơn nửa diện tích đất, phải đập bỏ nhà đang ở và không được hưởng tái định cư thì làm sao gia đình tôi có thể tham gia hiến đất làm đường cho Nhà nước được”, ông Nguyễn Xuân Lộc nêu quan điểm xoay quanh những bất đồng giữa gia đình ông và chính quyền địa phương về hiến đất để triển khai dự án mở rộng đường Trường Sơn, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bất bình trước chuyện căn nhà đang ở biến thành vỉa hè, ông Nguyễn Xuân Lộc và gia đình đã nhiều lần làm đơn, kêu cứu nhiều cơ quan công quyền ở tỉnh Khánh Hòa. |
Nhất quyết không hiến đất vì thấy bất công
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc (121 Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang), năm 1992, gia đình ông có mua một thửa đất với diện tích 92m2, sau đó tiến hành làm nhà ở và sinh sống đến nay.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018, khi chính quyền phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang tổ chức họp dân, kêu gọi những hộ dân bị ảnh hưởng đồng thuận hiến đất để mở rộng tuyến đường Trường Sơn theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Biết nếu đồng ý hiến đất làm con đường trên thì gia đình sẽ mất 43/92m2 nằm trong quy hoạch giao thông, chỉ được hỗ trợ bồi thường vật kiến trúc, chứ không được cấp đất tái định cư nên gia đình ông Lộc cảm thấy thiệt thòi và không đồng thuận hiến đất mở đường.
Bởi theo ông Lộc: “Mở đường là rất tốt, nhưng chính quyền địa phương cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân. Nếu hiến đất để mở đường mà gia đình không còn nhà để sống thì làm sao dân đồng ý hiến đất, bàn giao mặt bằng cho dự án”.
Theo ông Nguyễn Công Danh – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang: Chính quyền địa phương thời điểm đó đã vận động người dân hiến đất theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dự án có 8 hộ dân bị ảnh hưởng, đã có 7 hộ đồng tình hiến đất, còn 1 gia đình không đồng ý vì yêu cầu cấp đất tái định cư.
Dân không hiến, chính quyền không được lấy đất
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang cho hay: Gia đình ông Lộc không đồng ý hiến đất thì địa phương cũng không thể ép buộc, cưỡng chế. Còn việc gia đình yêu cầu bồi thường, cấp đất tái định cư thì không thể, vì đi ngược lại với chủ trương Nghị quyết số 17 của Thành ủy Nha Trang về vận động người dân hiến đất làm đường.
Ông Danh cũng cho biết thêm, dự án Mở rộng đường Trường Sơn được thực hiện theo Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 31/12/2009 của Thành ủy Nha Trang về vận động người dân tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Nếu trường hợp gia đình ông Lộc không đồng ý thì địa phương có bao nhiêu đất làm bấy nhiêu.
Dự án do UBND phường Vĩnh Trường làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Cuối năm 2019, công trình khởi công. |
Liên quan đến trường hợp hiến đất làm đường của gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc, luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Về chủ trương hiến đất làm đường, trong trường hợp nếu gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc không đồng ý hiến đất thì chính quyền địa phương cũng không có quyền lấy đất người dân để làm đường. Vì hiến đất là trên tinh thần tự nguyện của người dân.
“Như vậy, chính quyền địa phương có quyền làm đường nhưng không được làm đường đi qua nhà ông Lộc khi chưa được phép. Nếu quá trình thi công đường có ảnh hưởng đến kết cấu nhà ông Lộc thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm sửa chữa, đền bù thỏa đáng”, luật sư Phượng cho biết thêm.
Trước đó, liên quan đến những bất cập tại dự án đường Trường Sơn, thành phố Nha Trang, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, phản ánh đến bạn đọc qua 02 bài viết: “Nha Trang: Con đường chưa đầy 300m thi công hơn 4 năm chưa xong” và “Thi công 300m đường sau hơn 4 năm nhưng theo cách chẳng giống ai”.
Công Hưng – Hoàng Sơn
Theo