(Xây dựng) - Sau 14 năm kể từ ngày bắt đầu thi công và nhiều lần lỡ hẹn, 8 giờ sáng 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (Metro Nhổn - Ga Hà Nội), đoạn trên cao, chính thức lăn bánh, phục vụ những hành khách đầu tiên đi tàu.
Chỉ trong 7 tiếng đồng hồ tính từ lúc mở cửa đón khách, hơn 12.000 hành khách đã sử dụng tàu điện metro Nhổn - ga Hà Nội. |
Trong ngày đầu vận hành và phục vụ miễn phí, ở các ga đi tàu tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đã tập trung đông đúc hành khách là người lao động, học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, người cao tuổi, du khách nước ngoài… đến trải nghiệm. Đặc biệt, tại ga Nhổn và ga Cầu Giấy, lượng hành khách rất đông. Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại Hà Nội.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu vận hành Metro Nhổn - ga Hà Nội:
Sau 14 năm triển khai đâu tư xây dựng, 8h sáng 8/8, UBND Thành phố Hà Nội chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị trên cao Metro Nhổn - ga Hà Nội.
Trong 3 tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ mở tuyến từ 5 giờ 30 phút để đón khách và kết thúc vào 22 giờ cùng ngày. Tàu chạy đều đặn với tần suất 10 phút/chuyến.
Người dân Thủ đô xếp hàng dài chờ mua vé, hào hứng chờ được trải nghiệm Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Trong 15 ngày đầu, hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội.
Máy bán vé tự động tại ga Cầu Giấy.
Bản đồ tuyến đường sắt đô thị trên cao vận hành từ Nhổn đến Cầu Giấy bao gồm 8 ga (từ S1 đến S8), lần lượt là các ga: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc Gia, Chùa Hà, Cầu Giấy.
Người dân vô cùng thích thú khi vé tàu của tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội có hình tròn, nhỏ như đồng xu, dập hình Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội.
Hành khách Nguyễn Thị Thanh Hà xuất phát từ ga Nhổn chia sẻ: “Hôm nay là lần đầu tiên trải nghiệm đường sắt trên cao, tôi thấy tàu di chuyển rất nhanh và thuận tiện, tránh được khói bụi. Bên cạnh đó, tôi còn có thể ngắm cảnh thành phố từ trên cao”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà cũng cho biết, tuyến tàu điện trên cao này giúp con chị có thể đi học an toàn hơn thay vì phải tự di chuyển dưới mặt đất với mật độ giao thông dày đặc.
Người dân hào hứng khi được ngắm nhìn khung cảnh thành phố từ trên cao.
Cùng với người thân đến ga Cầu Giấy từ sớm, ông Hoàng Hà (trú tại phường Yên Hoà - quận Cầu Giấy) rất thích thú khi được trải nghiệm phương tiện giao thông hiện đại này. Theo ông Hà, tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội có cơ sở vật chất mới, đẹp, tàu chạy rất nhanh và êm. Việc mua vé cũng diễn ra thuận tiện, nhanh gọn. “Tôi rất hay di chuyển đoạn từ Cầu Giấy đi ga Hà Nội, nên rất mong tuyến đường này sớm được hoàn thành để di chuyển thuận tiện hơn”, ông Hoàng Hà cho hay.
Được bạn bè Việt Nam giới thiệu, anh Alexander (du khách người Mỹ) đã đến ga Cầu Giấy xếp hàng từ sớm để được trải nghiệm và ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt khi đến Việt Nam. Anh cho biết, tàu điện trên cao với nhiều tiện ích sẽ hỗ trợ những du khách như anh vừa được di chuyển nhanh và thuận tiện, vừa không phải mất thời gian tìm đường như trước nữa.
Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/h, vận tốc khai thác trung bình 35km/h. Quãng đường từ Metro Nhổn đến ga Cầu Giấy có khoảng cách là 8,5km nhưng chỉ mất khoảng 13 phút di chuyển. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở tối đa 950 khách.
Lối lên – xuống ga cho hành khách.
Mỗi ga tàu đều được trang bị thang máy cho người khuyết tật, người cao tuổi…
Metro Nhổn - ga Hà Nội được kết nối thuận tiện với các tuyến xe buýt.
Theo đó, dọc tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội có 36 tuyến xe buýt đang hoạt động: 33 tuyến trợ giá (05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96); 3 tuyến không trợ giá (70A, 70B, 70C). Các ga kết nối với điểm dừng xe buýt với khoảng cách từ 0 - 50m, thuận tiện cho việc di chuyển của người dân.
Ngoài hơn 8km trên cao, dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội có 4km đoạn tuyến ngầm kéo dài từ Cầu Giấy về ga Hà Nội. Dự kiến, đoạn tuyến đi ngầm này sẽ hoàn thành vào năm 2027, để đưa toàn bộ tuyến vào vận hành, góp phần thay đổi diện mạo giao thông đô thị, kết nối liên thông thuận tiện các khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hà Trần - Phạm Nguyên
Theo