(Xây dựng) – Đó là khẳng định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tượng “ép” khách vay mua bảo hiểm đang được các ngân hàng lách luật, “trá hình” bằng các điều khoản “tự nguyện” trong hợp đồng tín dụng.
Để được vay tiền mua nhà tại Dự án chung cư Thụy Vân Residence tại xã Thụy Vân, Việt Trì, ngân hàng Pvcombank yêu khách “phải” mua bảo hiểm nhân thọ? |
Không mua bảo hiểm thì khó vay vốn?
Theo Luật Sư Lê Hữu Linh, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì hiện tại không có quy định nào bắt buộc người vay, gửi tiền phải mua bảo hiểm. Trong thực tế, lợi nhuận từ bán bảo hiểm là nguồn thu rất lớn cho các ngân hàng, bởi vậy khi cho vay hoặc khi khách gửi tiền, mặc nhiên các nhân viên tín dụng sẽ tư vấn, chào mời khác hàng mua bảo hiểm, doanh số từ bán bảo hiểm cũng là chỉ tiêu áp cho mỗi nhân viên tín dụng. Cũng vì thế mà việc bán bảo hiểm kèm khoản vay, khoản gửi tiết kiệm gần như là “bắt buộc”. Ngoài ra, việc bán được bảo hiểm cũng tạo thêm thu nhập cho nhân viên ngân hàng nên đôi khi bán bảo hiểm kèm theo hợp đồng tín dụng là việc làm “yêu thích” của nhân viên ngân hàng.
Luật sư Linh cũng cho rằng, mặc dù trong các hợp đồng tín dụng, việc ký kết điều khoản mua bảo hiểm là tự nguyện, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là việc tự nguyện ở đây chỉ mang tính hình thức. Vì sao vậy? Đơn giản là nếu khách hàng không đồng ý mua bảo hiểm thì ngân hàng không cấp tín dụng. Việc này diễn ra ở nhiều ngân hàng, do vậy, người vay chỉ có thể tự nguyện chấp nhận mua bảo hiểm trong thế không thoải mái.
Thời gian qua, không ít vụ khách hàng tố bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn. Ngay cả khách gửi tiết kiệm cũng được nhân viên chào mời mua bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng rà soát lại quy trình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Qua phản ánh từ báo chí, dư luận, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm, các ngân hàng rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm (nếu có).
Qua đó, ngày 30/10/2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Công văn số 7928/NHNN-TTGSNH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Tại Công văn này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm và nhấn mạnh: các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng rất rõ ràng: Việc chào bán bảo hiểm pháp luật không cấm nhưng phải giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.
Ngày 17/11/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 14097/BTCQLBH yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm (nếu có), thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Được quảng cáo là “vay dễ dàng”, song người dân “tố” PVcombank đang làm khó khách hàng khi yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ mới cấp tín dụng (Ảnh: Pvcombank.luisala.com). |
Vay 70 triệu “phải” mua bảo hiểm nhân thọ 10 triệu
Việc yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm được áp dụng với nhiều khách hàng, trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, điển hình là trong lĩnh vực bất động sản.
Vừa qua, tại Dự án nhà ở xã hội Thụy Vân Residence (xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) người dân phản ánh muốn được ngân hàng giải ngân thì phải bỏ ra hàng chục triệu đồng/năm để mua bảo hiểm nhân thọ Prudential.
Ví dụ như trường hợp của chị Phan Thị Thu H bức xúc chia sẻ: Cư dân tại chung cư Thụy Vân Residence, khi làm thủ tục mua nhà, ai có nhu cầu vay, chủ đầu tư sẽ liên hệ với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) ở Hà Nội. Khi ký hợp đồng vay vốn, người dân phải ký thêm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới được ngân hàng giải ngân. Bản thân như trường hợp của tôi do không đủ tiền khi lấy nhà, chị phải vay ngân hàng khoảng 70 triệu đồng, vậy mà phía ngân hàng lại bắt phải mua bảo hiểm nhân thọ hơn 10 triệu đồng/năm mới giải ngân cho. Lúc đầu ngân hàng yêu cầu chị phải mua gói bảo hiểm hơn 13 triệu đồng/năm, sau đó chị có ý kiến nhiều lần nên đã giảm xuống còn hơn 10 triệu đồng/năm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, ngân hàng cho rằng, việc PVcombank yêu cầu khách phải mua bảo hiểm nhân thọ mới cấp tín dụng là điều phi lý, bởi việc mua bảo hiểm nhân thọ và vay nợ chẳng liên quan gì đến nhau. Nếu là mua bảo hiểm tiền vay thì đã đành, việc bảo hiểm tiền vay là để đảm bảo cho rủi ro khoản vay còn mua bảo hiểm nhân thọ lại là chuyện hoàn toàn khác, không liên quan đến khoản vay nợ. Nhất là khi người dẫn đã nghèo mới phải đi vay, giờ lại bắt người ta mua bảo hiểm nhân thọ thì rất khó hiểu và phi logic.
Như trường hợp của chị H kể trên, vay có 70 triệu thôi mà PVcombank “ép” khách phải mua thêm 10 triệu tiền bảo hiểm nhân thọ thì thật buồn cười, cả lý và tình đều chưa ổn.
Trước sự việc này, thiết nghĩ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm có biện pháp đủ mạnh, quyết liệt để siết chặt tình trạng lạm dụng việc bán bảo hiểm trong cấp tín dụng và tiền gửi. Đưa việc kinh doanh bảo hiểm về đúng quỹ đạo vốn có của nó, tránh hiện tượng biến tướng, “tự nguyện” mua bán bảo hiểm trá hình trong các hợp đồng tín dụng, tiền gửi.
Đỗ Quang
Theo