(Xây dựng) – UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản gửi các ngành chức năng về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhu nhà ở, khu dân cự ở thành phố Vinh. |
Theo đó, ngày 4/7/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5562/UBND-NC về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Công văn nêu rõ: Tại Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, tình hình cháy, nổ cơ bản được kìm giữ, số vụ cháy giảm 3 vụ, thiệt hại về tài sản giảm 0,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua theo dõi, số vụ cháy liên quan đến nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua còn xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ cháy trên toàn tỉnh (6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 14/34 vụ, chiếm 41%).
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhất là đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.
Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tổng rà soát, kiểm tra đối với các chung cư, nhà ở cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả kiểm tra để tiến hành xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cơ sở có tồn tại, vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở tiếp tục tham mưu, phối hợp UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đảm bảo định kỳ 01 lần/01 năm đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An tăng cường phối hợp với Công an tỉnh xây dựng, đăng tải, phát sóng các phóng sự, bản tin, bài viết tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào các khung giờ vàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời khuyến cáo các nguy cơ gây cháy, nổ và biện pháp xử lý, kỹ năng thoát nạn cho người dân.
Công ty Điện lực Nghệ An chỉ đạo các đơn vị Điện lực tại các huyện, thành, thị phân công cán bộ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn; đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống, thiết bị dây dẫn điện trên cột điện tại các cơ sở, khu dân cư không để xảy ra cháy hệ thống, dây dẫn điện trên cột điện gây cháy lan đến các khu vực, cơ sở, nhà dân lân cận.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát hiểm, phòng chống đuối nước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cán bộ quản lý trong các nhà trường và học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục.
Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư tại thành phố Vinh. |
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định; tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình và các cơ sở; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Tập trung rà soát toàn diện các khu đô thị, khu dân cư để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà nhiều tầng, nhà liền kề, nhà ống, ki ốt, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chỉ có 01 lối thoát nạn hoặc có chuồng cọp, yêu cầu các cơ sở này phải tiến hành ngay việc mở lối thoát nạn thứ 2, lối thoát khẩn cấp đáp ứng yêu cầu thoát nạn kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra.
Các địa phương chỉ đạo lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Công an xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, phát hiện và chữa cháy kịp thời (đặc biệt thời điểm ban đêm); rà soát, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với các khu dân cư trên địa bàn, đảm bảo sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý hiệu quả các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.
Tiếp tục rà soát, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo 10% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau trên địa bàn phải tham gia Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy. Tiếp tục phát động mạnh mẽ, đồng loạt phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy", nghiên cứu đưa nội dung kết quả thực hiện phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy" là một trong những tiêu chí đánh giá, xét tặng các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Áp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa".
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đối với UBND các xã, phường, thị trấn để kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời chấn chỉnh, phê bình, xử lý nghiêm đối với trường hợp tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác triển khai, buông lỏng quản lý để và xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Quang Hợp – Xuân Nguyễn
Theo