(Xây dựng) – Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 52-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Xây dựng Bắc Ninh đã chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời đại số.
Ngành Xây dựng Bắc Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. |
Thiết thực để bền vững
Trong những năm qua, ngành Xây dựng Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý, điều hành, mang lại nhiều lợi ích thiết thực để phục vụ người dân, doanh nghiệp và của ngành.
Năm 2023, nhằm nâng cao công tác chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số để thiết thực, bền vững, Sở Xây dựng Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình. Sở đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện và góp ý tham mưu nhiều dự thảo, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Bắc Ninh liên quan đến công tác thực hiện chuyển đổi số.
Trong quá trình thực hiện triển khai kế hoạch chuyển đổi số, ngành Xây dựng Bắc Ninh cũng đã nắm bắt và sử dụng có hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, Thư điện tử công vụ, Dịch vụ công, website… Kịp thời phổ biến đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức của ngành hiểu và nắm bắt đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và xử lý công việc hằng ngày.
Đồng thời, tích cực cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cổng dịch vụ công tỉnh và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ. Về hạ tầng số, Sở đã trang bị đầy đủ máy tính, chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 và nâng cấp thiết bị mạng, đảm bảo truy cập dữ liệu nhanh chóng, an toàn và hiệu quả công việc.
Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, kết quả thực hiện của ngành đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Minh chứng là 100% tổng số công chức, viên chức của ngành được cấp chứng thư số cá nhân; cơ bản văn bản đi đã được ký số theo đúng quy định. Đăng ký danh sách tài khoản khai thác, sử dụng dịch vụ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, trả kết quả điện tử trên môi trường mạng; 100% hồ sơ, thủ tục hành chính thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến…
Ngành cũng đã nghiên cứu triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử của ngành Xây dựng phù hợp với Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh và Bộ Xây dựng, đáp ứng các yêu cầu phát triển công nghệ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Cụ thể, ngành đã thiết lập, xây dựng thí điểm hệ thống GIS quy hoạch xây dựng trong đó có cơ sở dữ liệu liên thông dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng. Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử lưu trữ chuyên ngành, thực hiện rà soát, cập nhật các cơ sở dữ liệu hiện có trở thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ cho chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin có liên quan; thực hiện xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Bên cạnh đó, ngành Xây dựng Bắc Ninh cũng đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các tổ chức, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng và chứng chỉ năng lực hành nghề, đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Các hoạt động cụ thể bao gồm số hóa hệ thống định mức, giá xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ nâng cấp đô thị, thông tin về nhà ở, bất động sản và quy hoạch xây dựng. Tất cả nhằm mục đích công khai, minh bạch thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý.
Ngành Xây dựng Bắc Ninh thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ. |
Tận dụng cơ hội, phát huy giá trị
Theo đánh giá, những kết quả đã đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Xây dựng trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chuyển đổi số của ngành Xây dựng Bắc Ninh vẫn đang trong giai đoạn tạo lập dữ liệu số, hoàn chỉnh các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp mà chưa có bước đột phá trong việc ứng dụng các công nghệ số để thúc đẩy triển khai phát triển Chính phủ số, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc kết nối, chia sẻ tài nguyên dữ liệu số ngành Xây dựng với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan đang trong giai đoạn tạo lập, dữ liệu chưa nhiều.
Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, kế hoạch chuyển đổi số cần được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới chuyển đổi toàn diện và đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Chuyển đổi số ngành Xây dựng là một chặng đường dài và để thực sự hiệu quả cần có sự hợp lực giữa nhiều yếu tố bao gồm con người và kỹ thuật. Để đạt được kết quả chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả ngành Xây dựng cần có những giải pháp, nền tảng hỗ trợ pháp lý phù hợp.
Thông tin về việc triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành Xây dựng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Văn Hoàn đánh giá, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng và của tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian qua, nhờ thực hiện ứng dụng trong chuyển đổi số, thông qua việc sử dụng các thành tựu công nghệ vào việc lên kế hoạch xây dựng, thực hiện các bản vẽ, tính toán chi phí, kiểm soát công việc, giải quyết các thủ tục hành chính… đã giúp ngành Xây dựng Bắc Ninh gia tăng được năng suất, nâng cao chất lượng quản lý, tiết kiệm chi phí vận hành và minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, doanh nghiệp và người dân; cải thiện môi trường, sự hợp tác giữa các bên để đưa ra những quyết định nhất quán.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành Xây dựng Bắc Ninh cũng không tránh khỏi những khó khăn. Một lượng lớn tài liệu bản đồ quy hoạch, thiết kế công trình chưa được số hóa gây khó khăn trong quản lý, lưu trữ và khai thác, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ ngành chưa đồng đều, cản trở việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Đặc biệt, công tác quản lý dữ liệu quy hoạch đô thị gặp nhiều trở ngại do dữ liệu lớn, trải qua nhiều thời kỳ, lưu trữ dưới nhiều định dạng khác nhau, chưa có chuẩn chung. Việc sử dụng phần mềm AutoCAD (*dwg), không hỗ trợ chia sẻ và phân tích thông tin hiệu quả cũng là một hạn chế.
Thêm vào đó, việc cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại Sở Xây dựng Bắc Ninh chỉ là kiêm nhiệm gây khó khăn trong quản trị, vận hành và đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, cũng như tham mưu triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả.
“Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện chuyển đổi số, Sở Xây dựng Bắc Ninh sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt và đẩy mạnh rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, Sở sẽ tích cực triển khai công bố, tích hợp dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh nhấn mạnh.
Để ngành Xây dựng Bắc Ninh chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số và đạt hiệu quả thiết thực, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của từng cá nhân. Đây là yếu tố quyết định giúp ngành Xây dựng Bắc Ninh nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Nguyên Khánh
Theo