(Xây dựng) – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn vừa ký Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet). |
Hiện nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là chìa khóa và là cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mang Công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.
Ngày 04/5/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ký Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm của Tổng cục Hải quan về chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số và các giải pháp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để điều chỉnh thể chế, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, phục vụ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Phấn đấu đến năm 2030, Tổng cục Hải quan hoàn thành xây dựng Hải quan thông minh.
Theo đó, mục tiêu được ngành Hải quan đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hải quan số, trong đó thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về hải quan với hệ thống công nghệ thông tin có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện và nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thông tin trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, hoàn thành các mục tiêu nêu tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Hải quan.
Về các mục tiêu trọng tâm, cụ thể, đối với nghiệp vụ hải quan, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số của doanh nghiệp, các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan, công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Cùng với đó, các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa, các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... với các trang thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu can thiệp của con người trong quá trình thông quan hàng hóa.
Cụ thể, về chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hải quan: Hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.
Theo đó, cùng với việc thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trong Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, thủ tục hải quan được thực hiện giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Về hồ sơ hải quan, 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (5% thuộc hồ sơ đặc biệt như hồ sơ mật, hồ sơ sử dụng khi hệ thống gặp sự cố....); 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa. Về quản lý thuế, quản lý nợ thuế được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử với phương pháp quản lý hiện đại.
Đối với kiểm tra sau thông quan, tự động xác định đối tượng cần kiểm tra sau thông quan trên cơ sở áp dụng mô hình tự động phân tích, đánh giá rủi ro, phân tích số liệu thống kê, các bài toán nghiệp vụ, các dấu hiệu khác thường trên hệ thống công nghệ thông tin.
Về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tự động thu thập, tiếp nhận, phân tích thông tin về các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện thông qua thông tin tình báo, hợp tác quốc tế để lập các hồ sơ xác định trọng điểm các lô hàng có mức độ rủi ro cao theo các tiêu chí kiểm soát; tự động phân tích, cảnh báo những giao dịch bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; tự động cảnh báo đến các địa chỉ cụ thể về lô hàng tình nghi và chỉ dẫn chi tiết biện pháp kiểm soát hải quan; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đo lường tuân thủ để thiết lập và triển khai các phương án kiểm soát linh hoạt hiệu quả…
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn thực hiện chuyển đổi số trong các nội dung về quản lý rủi ro, chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, về kiểm tra, giám sát hải quan, về cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, về an toàn thông tin, về hoàn thiện thể chế…
Mỹ Hà
Theo