(Xây dựng) – Bức xúc về việc thu hồi nợ như “tín dụng đen” của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), người dân đã gửi đơn tố cáo đến Báo điện tử Xây dựng. Đồng thời cho rằng, cách xử lý nợ “thiếu chuyên nghiệp” không xứng với một thương hiệu ngân hàng mang tầm “Quốc tế”.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam được đánh giá thuộc top đầu về các ngân hàng cho vay mua xe ô tô hiện nay (ảnh: vib.luisala.com) |
Xử lý nợ như “tín dụng đen”?
Đó là nội dung đơn tố cáo của bà L.T.H phản ánh về trường hợp tài sản của bà là chiếc xe ô tô Mazda CX5 thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam theo hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp ký ngày 04/7/2018. Theo bà L.T.H đến ngày 27/9, phía ngân hàng cho người đến bãi xe tòa chung cư Victoria Văn Phú (quận Hà Đông) nơi mà bà đang gửi xe tự ý khóa xe, niêm phong và cử người trông giữ không cho bà H tiếp cận xe, ngày 18/10 thì phía ngân hàng cẩu xe ô tô nói trên di chuyển đi nơi khác. Theo bà L.T.H thì các hoạt động khóa, thu giữ xe của bà không được ngân hàng mời bà tham gia, chứng kiến nên bà không hề hay biết xe của bà bị bắt giữ khi nào. Sau này, qua tìm hiểu thì bà mới biết, xe của mình “không cánh mà bay” bởi vì bị Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam thu giữ để xử lý khoản nợ vay thế chấp bằng chính chiếc xe ô tô CX5 nói trên.
Trong đơn, bà L.T.H còn cho biết, ngân hàng vin vào cớ thẻ tín dụng của bà bị nợ xấu, chính vì vậy ngân hàng đã thu giữ xe ô tô để xử lý nợ. Song, theo bà L.T.H thì thẻ tín dụng của bà được ngân hàng cấp trước thời điểm ký hợp đồng vay mua xe khoảng 1 năm, tức là thẻ tín dụng và hợp đồng vay mua xe không liên quan gì đến nhau. Chưa hết, bà L.T.H cũng cho rằng, thẻ của bà trước giờ đều được thanh toán đúng hạn, đầy đủ nhưng đến khi thẻ hết hạn sử dụng thì bà có yêu cầu ngân hàng cấp lại, nhưng không được ngân hàng cấp và ngân hàng đóng số tài khoản của thẻ này khiến bà không thể tất toán số nợ thẻ, đó là nguyên nhân dẫn tới bị quá hạn nợ thẻ tín dụng. Đến tháng 9/2021 bà đã tất toán toàn bộ số nợ của thẻ tín dụng.
Ngoài ra, bà L.T.H cũng rất bức xúc với những chiêu trò mà ngân hàng sử dụng trong quá trình giao dịch với khách hàng. Cụ thể, bà L.T.H bức xúc việc ngân hàng đã “chơi chiêu” bằng cách gửi 2 thông báo nhắc nợ và cơ cấu nợ (văn bản thông báo đề ngày 7 và 9/7) vào chung một phong bì ngày 24/9 và bà L.T.H nhận được ngày 25/9 đồng thời ngân hàng không gửi thư đến địa chỉ theo chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu mà khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng trước đó.
Nghiêm trọng hơn, khi bà L.T.H trình báo cơ quan chức năng về việc mình bị “mất xe”, khi cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục xác minh nguồn tin tố giác của công dân thì phía ngân hàng đã bán thanh lý tài sản. Bà L.T.H cho rằng, đây là hình vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần thiết phải được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, trả lại công bằng cho người dân.
Để làm rõ nội tình, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có liên hệ tới Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam và được phía ngân hàng phúc đáp như sau: Về lịch sử tín dụng đối với hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp ký ngày 04/7/2018, trong thời gian từ tháng 7/2018 đến 10/2021 khách hàng chậm thanh toán trong 28 kỳ, thời gian chậm thanh toán cao nhất là 97 ngày. Thẻ tín dụng được phát hành theo đơn phát hành thẻ tín dụng ký ngày 25/10/2017. Đến ngày 30/9/2021, thời điểm khách hàng tất toán thẻ tín dụng thì khoản dư nợ thẻ của khách hàng đang thuộc nợ nhóm 4.
Việc gửi thông báo “Thu hồi toàn bộ dư nợ khoản vay và chuyển nợ quá hạn” và “Xử lý tài sản bảo đảm” đến địa chỉ khác không phải là địa chỉ trong chứng minh và sổ hộ khẩu được ngân hàng trả lời là gửi đến “địa chỉ khách hàng đang sinh sống thực tế/địa chỉ đăng ký trên hợp đồng vào các ngày 13/7/2021, ngày 23/7/2021 và ngày 24/9/2021 và đều có xác nhận của đơn vị chuyển phát”.
Ngân hàng cho rằng, họ đã gửi các thông báo liên quan đến thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm do khách hàng vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vào các ngày 13/7/2021, ngày 23/7/2021 và ngày 24/9/2021, tuy nhiên khách hàng không có phản hồi và ngân hàng cũng không liên lạc được với khách hàng.
Ngày 18/10/2021, ngân hàng đã tiến hành thu giữ tài sản là chiếc xe ô tô Mazda CX5 nói trên theo đúng thỏa thuận Hợp đồng thế chấp và phù hợp với quy định của pháp luật. Trước khi tiến hành thu giữ tài sản, ngân hàng đã trình báo và làm việc với Công an phường Phú La và đơn vị quản lý bãi trông giữ xe tại tòa nhà khách hàng sinh sống thực tế.
Từ nội dung trên, khách quan có thể thấy việc khách hàng L.T.H có lịch sử tín dụng chưa thực sự tốt, có chậm thanh toán. Song, nguyên nhân thực sự để ngân hàng siết nợ là gì? Nếu khách hàng phản ánh đúng, tức là ngân hàng vin vào cớ chậm thanh toán thẻ tín dụng để siết nợ xe liệu có đúng các quy định của pháp luật, việc này cần được làm rõ.
Ngược lại, nếu khách hàng đã nhiều lần thanh toán chậm khoản vay thế chấp xe là căn cứ để phía ngân hàng thu giữ xe ô tô để siết nợ thì cũng cần phải xem lại cách “hành xử” của ngân hàng xem đã thực sự khách quan chưa, đã đúng quy định của pháp luật chưa? Và có tôn trọng khách hàng không? Bởi lẽ, cho dù chiếc xe ô tô đó đang thế chấp tại ngân hàng đi chăng nữa thì ngân hàng cũng chỉ có 1 phần quyền tài sản trong tổng tài sản cấu thành lên chiếc xe đó. Và, việc thu giữ xe mà không có sự có mặt của người quản lý, sử dụng hợp pháp thì liệu có đúng quy định của pháp luật không?
Ngân hàng không được thu giữ tài sản?
Các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng phân tích: Trước đây việc thu giữ tài sản đảm bảo được thực hiện theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ cùng Nghị quyết 42/2017 cho phép thu giữ, tuy nhiên theo Bộ Luật dân sự 2015; Nghị định 21/2021/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm đã không còn quy định về thu giữ tài sản. Do đó, theo quy định hiện hành Ngân hàng không được thu giữ tài sản đảm bảo, nếu không được khách hàng tự nguyện đồng ý bàn giao tài sản đảm bảo.
Theo một chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xử lý nợ ngân hàng cho biết, việc xử nợ, thu giữ tài sản của các ngân hàng hiện nay diễn ra khá “ngông cuồng” và có nhiều bất cập, việc bắt giữ tài sản để xử lý nợ gần như diễn ra hàng ngày, có ngày một ngân hàng thu giữ hàng chục chiếc xe ô tô của khách hàng thế chấp. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ pháp luật thì việc thu giữ tài sản một cách tùy tiện, có phần “áp đặt” này ở nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Việc chiếm giữ tài sản của người quản lý, sử dụng hợp pháp mà không được họ đồng ý thì có thể phạm tội trộm cắp tài sản hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản. Đối chiếu lại trường hợp nói trên, việc Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam tổ chức thu giữ xe để xử lý nợ không có mặt của người chủ tài sản thì có thể vi phạm pháp luật hình sự. Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh nguồn tin tố giác của công dân liên quan đến việc bị ngân hàng thu giữ xe mà phía ngân hàng đã vội vàng bán đấu giá tài sản là có biểu hiện của sự “ngông cuồng”, coi thường pháp luật, coi thường khách hàng.
Với cách hành xử như vậy, người dân đặt câu hỏi, liệu Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) có xứng tầm với một thương hiệu ngân hàng được “gắn mác” Quốc Tế? Và rằng, cách thu giữ tài sản để xử lý nợ của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam chẳng khác nào giới cho vay nặng lãi, “dân tín dụng đen” đang hoành hành ngang dọc?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin thêm./.
Đỗ Lê
Theo