(Xây dựng) - Ngày 28/9, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (Mã CK: OCB) phát hành và hoàn tất lô trái phiếu OCBL2325009 có giá trị 2.000 tỷ đồng, nâng số tiền huy động của OCB qua kênh trái phiếu lên 11.2000 tỷ đồng trong năm 2023.
9 tháng đầu năm, ngân hàng OCB huy động thành công 11.200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. |
Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lô trái phiếu OCBL2325009 có khối lượng phát hành là 2.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành và hoàn tất trong ngày 28/9/2023, có kỳ hạn 2 năm, tức đáo hạn ngày 28/9/2025, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,3%/năm.
Đây là lô trái phiếu thứ 9 được ngân hàng này phát hành trong năm nay, nâng giá trị phát hành trái phiếu lên 11.200 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 22/6, OCB đã công bố nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán trong năm 2023. Ngân hàng OCB dự kiến sẽ phát hành tối đa 26.000 trái phiếu, mệnh giá tương ứng 1 tỷ đồng/trái phiếu.
Số tiền thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành. Song song với phát hành trái phiếu, ngân hàng OCB cũng mạnh tay chi tới 8.900 tỷ đồng để mua lại 11 lô trái phiếu trước hạn. Cụ thể, theo HNX, ngày 10/5/2023, ngân hàng OCB đã mua toàn bộ trước hạn lô trái phiếu OCBH2124001 có giá trị 1.500 tỷ đồng
Qua tháng 6/2023, ngân hàng OCB mua lại toàn bộ lần lượt 3 lô trái phiếu OCBL2124003, OCBL2124004, OCBL2225008 có tổng giá trị 2.300 tỷ đồng.
Tháng 7/2023, ngân hàng OCB tiếp tục mua lại toàn bộ trước hạn lô trái phiếu OCBL2225009 với giá trị 1.000 tỷ đồng. Tháng 8/2023, ngân hàng OCB mua lại toàn bộ 5 lô trái phiếu gồm OCBL2124005, OCBL2124006, OCBL2225010, OCBL2225011, OCBL2225012 tổng giá trị 3.800 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 11/9/2023, ngân hàng OCB mua lại lô trái phiếu OCBL2225015 có giá trị 300 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ HNX, hiện ngân hàng OCB đang lưu hành 22 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị hơn 19.700 tỷ đồng.
Việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng OCB tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Tình hình kinh doanh của ngân hàng OCB đạt mức tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm khi báo lãi tổng thu thuần đạt hơn 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ, nhờ đó lũy kế lợi nhuận trước thuế của ngân hàng OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ xấu của ngân hàng OCB tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. |
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng OCB đạt 211.292 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay khách hàng trong 6 tháng đầu năm đã tăng lên thêm 6,4%, đạt 127.572,8 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 8,1% đạt mức 110.455,7 tỷ đồng.
Một vết gợn trong bức tranh tài chính của ngân hàng OCB 6 tháng đầu năm là chất lượng nợ vay đi xuống khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ tăng mạnh).
Cụ thể so với hồi đầu năm, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 95,3% từ mức 670 tỷ đồng lên 1.309,6 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 104% lên mức 1.278 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 7,3% lên mức 1.475,6 tỷ đồng.
Do đó, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng OCB tính đến 30/06/2023 ghi nhận ở mức 4.601 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,23% đầu năm lên 3,18%.
Thành Nguyên
Theo