(Xây dựng) - Trả lời các Đại biểu về nguy cơ an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hiện đã ngăn chặn và hạ nhiều trang mạng có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Quang cảnh buổi làm việc ngày 8/11 (Ảnh: Quốc hội). |
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các vấn đề về: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Về vấn đề an ninh mạng, trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.
Bộ trưởng cũng cho biết, kết quả này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. Trước đây với Facebook nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20 - 30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Với Google, nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40 - 50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài.
Hạ 46 trang website mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Liên quan đến việc xử lý các trang website mạo danh, trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong 2 tháng qua, Bộ đã gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, trong số này có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương về vấn đề này.
Những trang này, ban đầu đưa những thông tin để lấy niềm tin của người đọc, sau khi lấy được niềm tin của người đọc, họ bắt đầu đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp thì rất nguy hiểm.
Cần phải có kỹ năng phân biệt thông tin xấu độc trên mạng
Trả lời câu hỏi của Đại biểu về việc xử lý thông tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện có hàng triệu thông tin trên không gian mạng nên mỗi chúng ta cần có kỹ năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng, hiện nay có hàng triệu thông tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin nên mỗi cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu thấy thông tin xấu độc, chúng ta lại kích vào thì vô tình lại là tác nhân khiến cho trang mạng đó tăng thêm lượt view và được truy cập nhiều hơn.
“Tôi nghĩ đây là câu chuyện giáo dục, cần đưa vào từ phổ thông giáo dục trong toàn xã hội…”, Bộ trưởng bày tỏ.
Về ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các nhà mạng mỗi một tháng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy lạ thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Cách đây gần một tháng, Bộ đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.
Nhanh chóng sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí
Về vấn đề quy hoạch báo chí, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Đã đến lúc cần phải sắp xếp lại theo hướng tức là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, đã đến lúc cần chấn chỉnh hoạt động báo chí mà trước trước đây, chúng ta cũng có sự buông lỏng.
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện sau đấy 2 tháng. Cụ thể, tháng 4 Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6/2019, Bộ đã ban hành kế hoạch gồm hai bước. Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Bộ (khoảng 40 Bộ). Bước 2, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các Bộ, ngành và địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, các Bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng báo hóa tạp chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, so với Luật Báo chí cái này là sai.
“Hiện chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích, mỗi tờ báo là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Nhưng vừa qua, có tình trạng một số tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích. Tạp chí cũng điều tra, cũng làm phóng sự, tin chính trị”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn bạc về câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.
Một là, về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Minh Châu
Theo