Theo nhiều cán bộ, Đảng viên, việc quán triệt thực hiện những công tác trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu sẽ tạo luồng sinh khí, động lực mới cho guồng máy đội ngũ hoạt động liêm chính.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Duong Giang/TTXVN) |
Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
"Dành đất” cho sự sáng tạo, năng động của cơ quan Nhà nước
Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, là một đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội và là đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền là rất quan trọng, đến mức có thể khẳng định nó quyết định sự thành công của việc thực hiện các mục tiêu do Đảng đề ra.
“Hiện Đảng đã có rồi, tổ chức Đảng tương đối vững mạnh, mục tiêu cũng có rồi, nhưng phương thức để đạt mục tiêu lại không rõ ràng, không tốt thì chúng ta không bao giờ đạt được mục tiêu. Đấy là tầm quan trọng của việc chúng ta nói về phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền” Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Sơn, đối với Đảng ta, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền cũng thay đổi và phát triển qua nhiều thời kỳ cách mạng khác nhau.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng chủ yếu lúc bấy giờ là thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, còn pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước rất ít. Điều này, sau này tạo thành thói quen, duy trì cho đến ngày nay ít nhiều vẫn còn.
Từ năm 1991, Đảng đề ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền với luật pháp là tối thượng. Từ chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo của Đảng cần làm thế nào để chuyển sang thành văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, để phù hợp với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Phân tích rõ hơn về phương thức lãnh đạo, cầm quyền hiện nay của Đảng, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Sơn cho biết nhận thức cũng như trong thực tiễn lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng ngày càng rõ hơn và thực hiện tốt hơn.
"Lãnh đạo là Đảng đề ra đường lối, chủ trương, cương lĩnh, chính sách nhưng mà Đảng không đề ra chỉ tiêu, mà điều đó phải chuyển sang bên Nhà nước. Muốn chuyển sang Nhà nước, Đảng cử cán bộ ưu tú sang giữ chức vụ Nhà nước và các đồng chí này phải thể chế hóa thành những văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật," Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Sơn phân tích.
Về lý luận là như vậy, song theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Sơn, hiện nay ít nhiều vẫn có sự lẫn lộn giữa hai nội dung lãnh đạo và cầm quyền như trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, có hiện tượng là Đảng lãnh đạo thì bao biện, làm thay người cầm quyền (Nhà nước), hay tình trạng thấy người cầm quyền làm được việc, thì người lãnh đạo lại buông lỏng lãnh đạo.
"Hai hiện tượng này hiện nay có trong phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta và ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo cũng như chất lượng cầm quyền và hiệu quả thực hiện mục đích, mục tiêu của Đảng ta đề ra. Cho nên lần này trong bài phát biểu, Tổng Bí thư có nêu ra là phải nhấn mạnh, xem xét suy nghĩ, nhận thức lại cho đúng đắn hơn phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền," Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay được thể hiện trên phương diện Đảng không can thiệp quá sâu vào công việc của các cơ quan Nhà nước, và "dành đất" cho sự sáng tạo, năng động của cơ quan Nhà nước, các cán bộ đảng viên giữ các chức vụ Nhà nước. Nếu làm được như vậy, lãnh đạo cầm quyền của Đảng sẽ uyển chuyển và khi đã uyển chuyển như vậy, hiệu quả thực thi các mục tiêu chính trị hay là mục tiêu mà Đảng đề ra qua các nghị quyết, chính sách, các cương lĩnh sẽ hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn và đạt nhiều thành tựu tốt hơn.
Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng Đảng lãnh đạo là lãnh đạo tập thể, mọi quyết sách của Đảng được bàn bạc một cách dân chủ và quyết định một cách tập thể, chứ không thông qua một cá nhân nào cả. Đặc biệt, Đảng lãnh đạo thông qua sự nêu gương của cán bộ đảng viên. Và đây là tính ưu việt trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
“Nếu như cán bộ, đảng viên nêu gương; nhất là những cán bộ, đảng viên là lãnh đạo quản lý nêu gương thì sức lan tỏa trong toàn Đảng, trong toàn xã hội rất lớn. Sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của nhân dân ta luôn luôn vận động, phát triển cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng ta cũng phải luôn luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Thể hiện sự đồng tình với việc chỉ ra những hạn chế trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thời gian qua mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu trong bài viết, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc cho rằng đây là một quan điểm dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn, quyết đoán và khẳng định việc thường xuyên đổi mới để phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là một điều hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan.
Tạo biến chuyển về chất lượng lãnh đạo, hiệu quả cầm quyền
Bày tỏ tâm đắc với đoạn mở đầu bài viết, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng “kỷ nguyên mới” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập đặc trưng bởi mục tiêu “quốc gia phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045.”
Trong 21 năm tới, chúng ta sẽ cố gắng nỗ lực trên phạm vi cả nước để có thể hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo 2045 và đây cũng chính là mục tiêu mới cho Đảng nói riêng và cả dân tộc ta nói chung.
Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Trung Kiên (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng 4 công tác trọng tâm về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu trong bài viết đều nhấn mạnh đòi hỏi của sự nghiệp Cách mạng trong quy trình lãnh đạo, cầm quyền từ việc đề ra đường lối đúng, vai trò hạt nhân, nhất quán nhận thức và hành động, cho đến việc kiểm tra, giám sát, tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm chính trị gắn với trách nhiệm đạo đức của người đứng đầu, của đội ngũ đảng viên và cán bộ.
“Vấn đề then chốt của then chốt là người lãnh đạo, cầm quyền phải có tầm vóc, có nhân tâm, có sự chủ động sáng tạo, có sự tận hiến, có bản lĩnh kiên định, có trách nhiệm bền bỉ, có kỹ năng quản lý điều hành, nhất là phải có biến chuyển về chất lượng lãnh đạo, hiệu quả cầm quyền. Tôi tin tưởng rằng, việc quán triệt thực hiện những công tác trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra sẽ tạo ra luồng sinh khí mới, động lực mới cho guồng máy đội ngũ hoạt động liêm chính, phục vụ và mang tính phụng sự, tạo sự phấn khởi trong cán bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ,” Tiến sỹ Lê Trung Kiên chia sẻ.
Theo Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: