(Xây dựng) - Trung tâm IDC, Cục Công nghiệp và Samsung Electronics Việt Nam vừa khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Chương trình này thuộc Đề án: “Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024.
Ảnh minh hoạ. |
Bộ Công Thương cho biết, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để nâng cao năng lực chế tạo và làm chủ công nghệ khuôn mẫu cho doanh nghiệp, từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương hợp tác với Samsung Việt Nam triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Trong đó, có Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình "Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh", Cục Công nghiệp thông tin.
Trong bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu đang được coi là một ngành kỹ thuật nòng cốt, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, việc phát triển và bồi dưỡng chuyên gia là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, việc nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay xúc giác trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác, từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử hay cho ngành sản xuất xe máy, xe ô tô.
Ông Phạm Khắc Tuyên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, khuôn mẫu là nền tảng của rất nhiều sản phẩm công nghiệp, từ những chiếc điện thoại thông minh cho đến những chiếc ô tô hiện đại. Việc sở hữu đội ngũ chuyên gia khuôn mẫu chất lượng cao là yếu tố quyết định đến sự thành công của các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo này, được triển khai từ năm 2020, đã gặt hái được những thành công đáng kể. Hàng trăm chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo và làm việc tại các doanh nghiệp lớn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp nước nhà.
Khóa đào tạo năm nay sẽ tập trung đào tạo thực hành cho 25 học viên, giúp họ làm quen với công nghệ và thực hành quy trình sản xuất khuôn mẫu hiện đại tại Hàn Quốc. “Đây là cơ hội vàng để các học viên nâng cao kỹ năng, tự tin ứng dụng kiến thức vào thực tế sản xuất và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông Phạm Khắc Tuyên nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, ông Cho Jong-wook, Giám đốc Trung tâm đào tạo trực thuộc Trung tâm đào tạo Đồng Thịnh Vượng bày tỏ, khóa đào tạo lần này là khóa đào tạo thực hành cho các học viên đã tham gia đào tạo lý thuyết trong 10 tuần tại Việt Nam để có thể trực tiếp sản xuất ra bộ khuôn mẫu thực tế. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu cho tất cả các học viên để có thể nâng cao kỹ năng thực tế của mình một cách hiệu quả nhất trong lĩnh vực khuôn mẫu.
“Các học viên được lựa chọn là những nhân tài quan trọng cho sự phát triển của ngành khuôn mẫu Việt Nam. Vì vậy, tôi mong rằng các bạn sẽ tập trung tối đa trong thời gian đào tạo và phát triển năng lực thực tế của chính bản thân mình, cũng như đóng góp vào sự phát triển của ngành khuôn mẫu Việt Nam”, ông Cho Jong-wook nói.
Hoàng Hồng
Theo