(Xây dựng) - Sau khi Báo điện tử Xây dựng có bài viết “Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án”, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô là nhà thầu đang tổ chức thi công dự án đã có công văn phúc đáp Báo điện tử Xây dựng.
Nhà thầu dự án thành phần số 7, tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định khẳng định, loại đất tại vị trí khai thác đủ yêu cầu để sử dụng cho thi công công trình. |
Ngày 03/06/2023, Báo điện tử Xây dựng có bài viết “Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án” phản ánh Dự án thành phần số 7, tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025 đang có dấu hiệu sử dụng đất đắp không tuân thủ hồ sơ thiết kế, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ gây mất an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang đến gần”.
Ngày 05/06/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô là nhà thầu đang tổ chức thi công dự án nêu trên đã có văn bản gửi Báo điện tử Xây dựng phúc đáp như sau:
"1. Về yêu cầu đất đắp đối với công trình đê điều:
Theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế, đất đắp thân đê có yêu cầu độ chặt K95, chiều dày của 50cm trên cùng tiếp giáp với lớp kết cấu móng đường có yêu cầu độ chặt K98. Ngoài yêu cầu đảm bảo độ chặt chống lún khi có tác động của phương tiện vận tải, đất đắp đê còn phải đảm bảo yêu cầu chống thấm để phòng lũ (khi mực nước sông dâng cao, đê có nhiệm vụ ngăn nước không rò rỉ về phía đồng, hạn chế tối đa việc xói lở dẫn đến sạt trượt thân đê). Vì vậy, loại đất đắp thân đê thường là loại đất có hàm lượng sét cao. Phương pháp xác định loại đất đắp có đảm bảo yêu cầu hay không là phương pháp thí nghiệm theo tiêu chuẩn (không dùng phương pháp quan sát bằng mắt thường).
2. Về chất lượng đất do nhà thầu tập kết để thi công công trình:
Đất được lấy mẫu thí nghiệm tại nơi khai thác trước sự chứng kiến của đại diện chủ đầu tư, tư vấn thí nghiệm và đại diện nhà thầu. Mẫu đất được tiến hành thí nghiệm tại phòng thí nghiệm LAS1566, kết quả có những thông số chính như sau: Chỉ số dẻo: Ip = 15,1%; khối lượng thể tích khô lớn nhất: 1,617 g/cm3; độ ẩm tối ưu: 23,7%; thành phần hạt: cát chiếm 21,2% sét chiếm 78,8%. Không có thành phần hữu cơ; nhóm phân loại: Đất thuộc nhóm CL (đất sét pha nặng). Như vậy, loại đất tại vị trí khai thác đủ yêu cầu để sử dụng cho thi công công trình.
Ngoài ra, trong quá trình tập kết đất về hiện trường, các bên tiến hành lấy mẫu đất tại vị trí tập kết theo tần suất quy định. Kết quả thí nghiệm cũng duy trì các thông số ổn định như trên.
3. Về phản ánh của bài báo có sử dụng bùn để đắp đê?
Trước hết, cần phân biệt khái niệm bùn: Bùn là loại đất có chỉ số chảy dẻo Ip<10, có độ rỗng lớn, liên kết hạt bị phá vỡ, thường xuyên tồn tại ở trạng thái lỏng, có lẫn tạp chất hữu cơ. Vật liệu đất đắp do nhà thầu tập kết để thi công công trình không có các dấu hiệu nêu trên.
Khối lượng đất đắp vận chuyển về đến chân công trình có độ ẩm lớn hơn độ ẩm tối ưu (23,7%) vì thế trạng thái của đất ở trạng thái dẻo. Theo tiêu chuẩn về thi công đất đắp, nhà thầu phải duy trì độ ẩm khi đầm ở độ ẩm tối ưu. Vì vậy, với đất có độ ẩm lớn hơn độ ẩm tối ưu thì phải dùng phương pháp phơi khô để đưa đất về độ ẩm tối ưu.
Giải pháp thi công của nhà thầu: Đất ướt được tập kết về bãi tập kết gần hiện trường, sử dụng máy xúc đảo nhiều lần dưới trời nắng cho đến khi đất không còn ở trạng thái dẻo thì xúc lên xe vận chuyển về đến vị trí đắp. Tại vị trí đắp, đất được rải thành từng lớp theo yêu cầu kỹ thuật, độ ẩm được kiểm soát về độ ẩm tối ưu để lu lèn.
4. Những khó khăn trong việc huy động nguồn đất đắp cho dự án.
Nguồn đất đắp nói chung và đất đắp đê nói riêng trên địa bàn tỉnh Nam Định vô cùng khan hiếm. Tại Thông báo giá xây dựng của Liên sở Xây dựng – Tài chính về giá vật liệu xây dựng hàng tháng cũng không có dữ liệu báo giá đất trên địa bàn tỉnh mà chỉ có báo giá tại các mỏ đất tại tỉnh Ninh Bình. Dự án thành phần số 7, tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025 có khối lượng sử dụng đất lớn, riêng đoạn đê Hữu Hồng huyện Nam Trực có khối lượng yêu cầu là 42.000m3, yêu cầu về chất lượng rất khắt khe. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng đến nay nhà thầu mới tập kết được khoảng 34.000m3 đạt khoảng 81% nhu cầu. Độ ẩm của đất tại vị trí khai thác lớn hơn yêu cầu kỹ thuật nhưng các chỉ tiêu cơ lý khác thì hoàn toàn đáp ứng. Do yêu cầu cấp bách của công tác thi công phòng chống lụt bão nên nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn, chấp nhận chi phí tăng thêm do việc phơi đất và trung chuyển. Tiến độ thi công kéo dài hơn so với kế hoạch dự kiến của nhà thầu cũng làm phát sinh chi phí và làm tăng giá thành thi công công trình. Tuy vậy, việc phối hợp thi công tại hiện trường lại không liên tục dẫn đến việc đảm bảo tiêu chí “thi công đến đâu gọn gàng ngay đến đó” chưa thể đáp ứng theo yêu cầu".
Thông qua văn bản trên, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của Báo điện tử Xây dựng, truyền thông đến bạn đọc cùng nỗ lực chung tay với nhà thầu, động viên khích lệ nhà thầu sớm hoàn thành công trình, đáp ứng sớm yêu cầu phòng chống lụt bão, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.
PV
Theo