(Xây dựng) - Các con tôi ở Hà Nội đều ở chung cư. Vậy nên, đã từ lâu tôi đã quá quen với hình ảnh các khu chung cư san sát nhau với mật độ dày đặc người. Mỗi căn hộ như là chiếc hộp khép kín, cư dân ít giao lưu với nhau. Phần vì ai cũng bận rộn, phần vì không gian sống ở chung cư rất hạn hẹp. Đặc biệt, tuần trước vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến người dân cả nước bàng hoàng, ám ảnh vì sự ra đi tức tưởi của 56 con người. Có thể nói, những căn “chung cư mini” ấy không khác gì chuồng chim bê tông ngột ngạt. Khi hỏa hoạn đến thì việc thoát thân không dễ dàng mới gây nên những cái chết đau thương như vậy.
Hai dãy chung cư những năm đầu sử dụng. |
Nhân việc đó, nên khi được giới thiệu về một hình mẫu chung cư và lối sống của các cư dân ở đấy, tôi đã xuống đó để mục sở thị khu chung cư của công nhân Nhà máy hóa chất Đức Giang (tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai).
Cảm nhận đầu tiên về nơi đây là hai dãy chung cư khum khum quay mặt vào nhau sạch sẽ và rợp màu xanh. Tôi ấn tượng với hình ảnh mặt trước của cả hai dãy là hệ xương bê tông hình cây kết hợp bồn trồng hoa, cây leo. Rất nhiều bồn hoa đã sum suê hoa lá. Nhiều “que” bê tông đã được phủ kín dây leo. Để xe xuống tận tầng hầm cuối cùng của khu chung cư dưới thấp, tôi thong dong men theo con dốc quan sát toàn bộ hai dãy chung cư mà cứ nghĩ như đi trong vườn cây nào đó. Giữa màu xanh cây lá, rộn lên những tiếng chim líu lo. Tôi ngơ ngác, hóa ra trên ban công mấy căn phòng gần đường, chủ nhân treo những lồng chim lấp ló sau những tán cây hoa giấy.
Tôi đi một vòng ngắm cảnh. Có thể nói đây là một bức tranh sắc màu cây xanh kết hợp hình khối hấp dẫn. Hai dãy chung cư quay hướng Bắc Nam, tạo thành hai đường vòng cung nằm quay mặt vào nhau dựa theo đồng mức tự nhiên cách nhau đến vài chục mét. Chúng được xây dựng tận dụng độ dốc tự nhiên vừa giảm khối lượng san lấp vừa tạo thành hình ảnh liên tưởng đến các ruộng bậc thang - nét đặc trưng của vùng núi Tây Bắc trên các cốt địa hình chênh nhau đến 2,5 mét tạo phần “lõi” xanh ở giữa – chính là phần cây xanh và sân chơi cho các bé đã được trang bị các loại thiết bị như cầu trượt, mâm xoay, xích đu… kế bên là đài phun nước. Những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, đài phun nước hoạt động tạo không gian lung linh nổi bật giữa hai dãy nhà chung cư.
Một góc chung cư. |
Một làn gió thổi đến mát rượi. Tôi ngắm xung quanh và phát hiện khoảng trống giữa hai dãy nhà và khoảng giữa trong từng khối nhà đã tạo thành cái phễu khổng lồ hút gió khiến không khí mát mẻ. Đang mơ màng với cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây, tôi giật mình bởi một toán trẻ em chạy đuổi nhau qua trước mặt. Mấy đứa trẻ dừng lại ngoan ngoãn “cháu chào bác ạ” rồi chạy vội đi. Một đứa trẻ vứt vỏ kẹo xuống đường, lập tức đứa chạy sau nhặt lên gọi to “Anh Bon phải vứt rác vào thùng chứ!”. Nó chạy ra thùng rác bên lề đường vứt vỏ kẹo vào đấy, rồi lại nhanh chóng hòa mình vào cả nhóm đang lốc nhốc chạy đuổi nhau dưới những tán cây.
Được bảo vệ tòa nhà dẫn ra khu sau dãy nhà trên, tôi thích thú ngắm những công trình thư giãn với hai bể bơi dành cho người lớn và trẻ em, sân bóng đá, sân cầu lông, bóng chuyền. Đang chiều muộn, bể bơi đông người. Nhiều ông bố dạy con bơi. Nhiều thiếu niên bơi đuổi nhau và vùng vẫy thỏa thích quanh bể. Cảnh nhộn nhịp ở bể bơi, sân bóng và khoảng sân giữa đã tạo nên sự kết nối cộng đồng thân thiết giữa các cư dân chung cư với nhau.
Chiều muộn, bể bơi rất đông người. |
Với mục đích tạo ra một môi trường sống có hệ sinh thái xanh, gần gũi thiên nhiên để phục vụ công nhân, bản thiết kế về thể loại nhà ở tổ hợp của nhóm tác giả kiến trúc sư của văn phòng 1+1>2: Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Xuân Ngọc cùng các cộng sự đã ra đời. Từ bản thiết kế ấy, công trình được khởi công năm 2015. Đến năm 2016 hoàn thành, được đưa vào sử dụng với diện tích xây dựng 14.440m2 cung cấp 140 căn hộ có diện tích từ 50m2 đến 65m2 cho cán bộ, công nhân viên của nhà máy. Toàn bộ tầng một được sử dụng cho các tiện ích công cộng: Nhà để xe, dịch vụ thương mại, không gian sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động thể thao giải trí trong nhà…
Tôi hỏi chuyện một nhóm sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa đến đây thực tập. Các cháu ở một số căn phòng trên tầng sáu. Ngày ngày, nhóm sang bên nhà máy thực tập, chiều lại về nghỉ. Các cháu ở nhiều quê: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An… “Nhà máy tạo điều kiện nơi ăn chốn ở đàng hoàng và nơi thực tập hoành tráng và chất lượng” – Một cháu người Nghệ An cười thật tươi khoe với tôi như vậy. “Các cháu thấy chung cư ở đây như thế nào?” – Tôi hỏi. “Ôi tuyệt lắm ạ. Chung cư rất sạch đẹp và thông thoáng. Đặc biệt rất nhiều cây xanh. Điều này rất hiếm ở các thành phố lớn ạ”.
Trẻ em tự do đi lại, vui chơi dưới tán cây xanh mát, thanh bình. |
Tôi thăm căn phòng của một gia đình công nhân ở tầng ba. Ông bố trẻ đang chuẩn bị cho con đi bơi. Thấy tôi hỏi chuyện, anh vui vẻ vừa rót nước mời vừa tiếp chuyện. Anh cho biết hai vợ chồng mỗi người mỗi quê, cùng làm công nhân ở đây. Quê anh tận Thái Bình. Quê vợ ở Hưng Yên, đều là những miền quê không có núi non nên đều rất thích khung cảnh nơi đây. “Hai vợ chồng cháu có thể sẽ gắn bó lâu dài với nhà máy. Trước mắt, chúng cháu thuê căn hộ này hết một triệu một tháng. Nếu đi thuê bên ngoài thì mất thêm vài triệu nữa, lại không có đủ tiện ích như ở đây. Nhà máy tạo nhiều điều kiện cho công nhân lắm ạ”. “Vậy các trường học có gần đây không” – Tôi hỏi. “Trường mầm non và tiểu học cách đây chưa đến một cây số, tiện lắm”. Còn cháu nào lên cấp ba, thì lại ra trường số hai ngoài Xuân Giao học, cũng không quá xa”.
Ông Đào Xuân Cương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai phấn khởi khi nói về chủ trương và mục đích của tập đoàn và Ban lãnh đạo công ty khi xây dựng nhà ở cho công nhân của công ty đều hướng đến đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên ổn định và yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với công ty. Mỗi công dân chung cư đều có ý thức giữ gìn và bảo vệ chung cư luôn xanh – sạch – đẹp.
Được biết, công trình khu chung cư này đã đoạt giải Bạc giải thưởng Kiến trúc quốc gia cho hạng mục nhà ở, đồng thời nhận được giải thưởng công trình được yêu thích nhất do cộng đồng mạng bình chọn tại Liên hoan Kiến trúc Việt Nam năm 2017 tại Đà Nẵng (hai năm tổ chức một lần). Chưa hết, gần đây nhất, công trình này lại được xướng tên tại giải thưởng UIA 2023 (giải thưởng được tổ chức 3 năm một lần) của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) với giải Robert Matthew - Kiến trúc Bền vững & Nhân văn với "Hệ thống Làng" gồm: Làng Mít, Làng Đất, Làng Choản Thèn (Làng nấm), Làng công nhân, Làng treo… Công trình Làng công nhân – Chung cư cho công nhân nhà máy Hóa chất Đức Giang kể trên đã gây ấn tượng với Ban Giám khảo vì đã tái hiện cuộc sống của người lao động và khuyến khích sự kết nối giữa những người hàng xóm sống chung với nhau, đồng thời đưa những người sống ở đó được gần gũi hơn với vườn tược.
Ra về, trong tôi lâng lâng niềm phấn khích: “Giá như, các chung cư hiện nay đều thiết kế theo mô hình kiểu này thì sẽ tuyệt vời biết mấy! Nhưng đó là điều không thể ở các thành phố lớn đất chật người đông. Nên chăng mọi dự án về nhà ở các vùng miền đều thiết kế mang đậm dấu ấn tại đây, gắn với thiên nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền và cộng đồng thân thiện như những thiết kế của KTS Hoàng Thúc Hào đã thực hiện nhiều năm qua.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Trần Thị Minh
Theo