(Xây dựng) – Một cô gái sinh năm 1992, đến từ tỉnh Sóc Trăng đã chi hơn 33 tỷ đồng để giành quyền sử dụng khu đất thương mại dịch vụ hiện là Rạp chiếu phim Hòa Bình ở trung tâm thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), trong 49 năm.
Rạp chiếu phim Hòa Bình là đất thương mại dịch vụ, không phải đất ở đô thị. |
Chiều 27/7, thông tin đến Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Luyện - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa phối hợp tổ chức bán đấu giá thành công hai tài sản công dôi dư, không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, thu về cho ngân sách Nhà nước gần 50 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là Rạp chiếu phim Hòa Bình, thuộc thửa đất số 178, tờ bản đồ địa chính số 8, có địa chỉ tại số 21 (số cũ 06) đường Duy Tân, phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, đã được đấu giá thành công ở mức hơn 33 tỷ đồng, cao hơn gần 10 tỷ đồng so với giá khởi điểm là hơn 23,6 tỷ đồng. Người trúng đấu giá là bà Đ.T.N.B, sinh năm 1992, thường trú tại Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, người đã trả mức giá cao nhất tại cuộc đấu giá công khai, theo phương thức trả giá lên bằng lời nói.
Khu đất có vị trí đắc địa, phù hợp để hình thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và giải trí. |
Với số tiền hơn 33 tỷ đồng bỏ ra, bà B được quyền sở hữu tài sản trên đất là một nhà cấp 3 hiện đang bị bỏ hoang (Rạp chiếu phim Hòa Bình), được xây dựng cách đây hơn 70 năm, có quy mô 3 tầng, diện tích sàn sử dụng 1.197,86m2. Cùng với đó là trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời hạn thuê 49 năm cho Nhà nước để giành quyền sử dụng lô đất thương mại dịch vụ có diện tích 538,9m2, nơi xây dựng Rạp chiếu phim Hòa Bình.
Theo thông số Quy hoạch thì lô đất thương mại dịch vụ nói trên được phép xây dựng cao không quá 9 tầng, mật độ xây dựng dưới 60%, hệ số sử dụng đất tối đa 8 lần. Đồng thời, khoảng lùi công trình phải tuân thủ điểm 2.6.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi cũng cho biết thêm, phiên đấu giá được tổ chức công khai, rộng rãi tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi (thuộc Sở Tư pháp Quảng Ngãi) vào ngày 21/7 vừa qua; thu hút rất đông các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng Nhà nước cho thuê đất theo quy định Luật Đất đai năm 2013, có nhu cầu và quan tâm tới tài sản tham gia.
Hiện tại, số tiền đặt trước hơn 4,7 tỷ đồng của người trúng đấu giá là bà B đã được chuyển thành tiền đặt cọc đảm bảo, còn lại hơn 28,3 tỷ đồng người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính Quảng Ngãi theo quy định.
Người trúng đấu giá phải cam kết sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch được phê duyệt và đúng các quy định khác của Luật Đất đai năm 2013. |
Theo ông Luyện, khu đất đưa ra đấu giá là đất thương mại dịch vụ, không phải đất ở đô thị, đây là hình thức người trúng đấu giá được Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, có thời hạn sử dụng 49 năm kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
Việc tỉnh Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch bán đấu giá cơ sở nhà đất công dôi dư, không có nhu cầu sử dụng và lâu nay bị bỏ hoang gây mất mỹ quan đô thị, người dân chiếm dụng sử dụng sai mục đích này… một mặt nhằm tránh lãng phí tài sản công, mặt khác tạo nguồn thu cho ngân sách, cũng như góp phần chỉnh trang, nâng cấp đô thị.
“Quan trọng hơn cả là thu hút nguồn lực đủ khả năng tham gia đầu tư, phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ xứng tầm trên khu đất có vị trí thuận lợi để đáp ứng nhu cầu của người dân, qua đó tạo động lực phát triển và công ăn việc làm cho người dân”. Ông Luyện nói.
Khai thác có hiệu quả khu đất sẽ là thách thức đối với người trúng đấu giá. |
Theo quan sát của Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Rạp chiếu phim lâu đời nhất Quảng Ngãi có tứ cận phía Đông giáp đường Lý Tự Trọng (lộ giới rộng 10m), phía Tây giáp nhà dân hiện hữu, phía Nam giáp đường Duy Tân (lộ giới rộng 18m) và phía Bắc giáp nhà dân hiện hữu.
Cơ sở nhà đất công này sở hữu vị trí đắc địa với 2 mặt tiền đường Duy Tân – Lý Tự Trọng, nằm ở cổng Nam chợ Quảng Ngãi – Trung tâm của vùng lõi đô thị phố Quảng Ngãi. Vị trí này cực kỳ thuận lợi để hình thành các tổ hợp thương mại, dịch vụ và giải trí.
Tuy nhiên, với số tiền hơn 33 tỷ bỏ ra cho vị trí này, chưa kể chi phí đầu tư xây dựng thì phương án tổ chức kinh doanh, chiến lược và phân khúc khách hàng sẽ là thách thức đối với nhà đầu tư. Do đó, yêu cầu về năng lực tài chính, cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực là điều bắt buộc để có thể khai thác có hiệu quả khu đất này.
Rạp chiếu phim Hòa Bình được xây dựng năm 1950, sau năm 1975 được Nhà nước quản lý, khai thác. Năm 1993, Bộ Văn Hóa – Thông tin khi đó đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian thì rạp vắng bóng người xem. Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương xã hội hóa chiếu Rạp chiếu phim này nhưng không thực hiện được, hai năm sau người xem ngày càng thưa thớt nên rạp bị đóng cửa hẳn. Hơn 4 năm kể từ ngày đóng cửa, bỏ hoang, đến đầu năm 2021 Rạp chiếu phim Hòa Bình nằm trong danh sách bán đấu giá tài sản công dôi dư, không có nhu cầu sử dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, cũng như tránh gây lãng phí tài sản công, chấm dứt tình trạng bỏ hoang hóa gây mất mỹ quan đô thị. |
Lê Danh
Theo