(Xây dựng) – Cầu mưa là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm được người Thái trắng, xã Mường Sang tổ chức vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đồng thời, giáo dục thế hệ con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.
Nghi lễ Cầu mưa diễn ra xung quanh cây Vạn Vật. |
Trước ngày diễn ra Lễ hội hàng tháng, người dân chuẩn bị chu đáo đồ cúng lễ gồm những sản vật gắn với đời sống thường ngày như: Cơm lam, cá xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà, măng đắng. Lễ cúng được thực hiện một cách thành kính và đủ đầy là cách để thể hiện tấm lòng của dân bản với trời đất, thần linh sẽ không thể thiếu cây Vạn Vật được trang trí bằng các con chim, con ve đan bằng nan, bên cạnh những lồng nan đựng trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai và sản vật địa phương.
Đối với người Thái ở xã Mường Sang, nghi thức được thầy mo cúng đảm nhiệm và mọi người dân trong bản tập trung cầu nguyện, thầy đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa, cầu xin ông Then ban mưa xuống để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, thể hiện mối quan hệ, gắn kết trong cộng đồng, tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, dân tộc, bản mường.
Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang (Mộc Châu). |
Cũng tại lễ hội, còn diễn ra các hoạt động bảo lưu những nét văn hóa như: Ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình, trò chơi dân gian của người Thái trắng.
Bà Phạm Thị Lợi - Giám đốc Trung tâm truyền thông, văn hóa huyện Mộc Châu cho biết: Lễ hội Cầu mưa được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được duy trì đều đặn hàng năm trong cộng đồng, là một tín ngưỡng không thể thiếu đối với bà con dân bản. Đặc biệt, với Mộc Châu là khu du lịch quốc gia, điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phượng Nguyễn
Theo