(Xây dựng) – Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khép lại sau 9 ngày liên tục đón tiếp gần 30.000 nhân dân và du khách tới thưởng lãm và tham gia.
Hoạt động diễu hành cổ phục “Bách hoa bộ hành” trong đêm bế mạc Lễ hội. |
Bước sang năm thứ 4, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... Điểm nhấn là các hoạt động diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước.
Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan toả tại khắp các không gian kiến trúc, không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các phố nghề, làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, khắp địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô. Cộng đồng cũng đã tổ chức gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng Lễ hội, phục vụ công chúng và du khách Thủ đô.
Lễ hội được ví như “đại tiệc” sáng tạo thú vị, đa sắc màu thể hiện sự tài hoa của nhiều thế hệ nhân dân Thủ đô. Các hoạt động được tổ chức là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn những ý tưởng sáng tạo vào những ký ức của cộng đồng, nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.
Chương trình khai mạc với chủ đề “Giao lộ” đã mở màn ấn tượng cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Buổi lễ tái hiện “Long Vân khánh hội” và “Diễu hành Phố Chợ” với quy mô hoành tráng, hòa quyện giữa nghệ thống truyền thống và hiện đại, mang đến trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, nhận được sự hưởng ứng và cổ vũ từ đông đảo khán giả và nhân dân Thủ đô.
Ba công trình biểu tượng gồm: Pavillion “Hành lang thơ ngây”, “Dòng”, “Rồng rắn lên mây” thay vì đứng độc lập như các mùa lễ hội trước, năm nay được sắp ở vị trí tương tác, tạo ra cuộc đối thoại với di sản kiến trúc. Hai cuộc đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp) và “Cung Thiếu nhi Hà Nội - Hoài niệm cho tương lai” khẳng định sự sáng tạo không giới hạn của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư khi có sự phá cách trong tư duy, độc đáo trong sắp đặt, nhưng vẫn đảm bảo giá trị truyền thống, có sự hài hòa với không gian cảnh quan và hiện vật trưng bày.
Các cuộc tọa đàm, hội thảo mang lại những nhận thức mới cho hoạt động sáng tạo ở Thủ đô như: Tọa đàm “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ”; Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn Kiến trúc đương đại”; Hội thảo: “Xây dựng mô hình, sản phẩm công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hoá phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội”... Thông qua đó, gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức mới.
Không gian Lễ hội trải rộng theo tuyến, từ điểm đầu tới điểm cuối cách nhau gần 3km, nhưng đó không phải rào cản cho việc khám phá, trải nghiệm của du khách. Trong đó, lần đầu tiên, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp) thí điểm mở cửa đón khách tham quan như một di sản kiến trúc bên cạnh công năng vốn có đã trở thành những điểm nhấn của tuyến.
Lễ hội năm nay được đánh giá có tính tham gia, tính hoà nhập cao. Sự góp mặt của hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thành danh cả trong và ngoài nước.
Lần đầu tiên, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp) thí điểm mở cửa đón khách tham quan. |
Cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội đã tích cực đóng góp với vai trò là những nhà sáng tạo chuyên nghiệp. Gần 300 bạn trẻ chọn đóng góp cho Lễ hội khi trở thành tình nguyện viên hỗ trợ công tác tổ chức, tiếp đón và hướng dẫn nhân dân tham quan trải nghiệm.
Sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội đã đạt được thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn và nhận được sự ủng hộ, cộng hưởng lớn từ nhân dân Thủ đô và du khách. Hơn 30.000 lượt khách đã đến tham gia, trải nghiệm tại các điểm trên tuyến chính của Lễ hội. Những ngày cuối tuần, Lễ hội đón tới gần 60.000 người chỉ trong một ngày tại các điểm có cổng ra vào, chưa kể đến các không gian mở như vườn hoa hay không gian công cộng. Nhân dân và du khách kiên nhẫn xếp hàng, háo hức chờ tham quan.
Với ba trụ cột Thiết kế - Sáng tạo - Cộng đồng, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, cộng đồng trở thành chủ thể của Lễ hội. Họ không chỉ đến tham quan, trải nghiệm mà còn tương tác, hòa nhịp với các hoạt động, sự kiện. Từ các hoạt động cộng đồng, trưng bày - triển lãm, trình diễn - biểu diễn đến cả các hội thảo - tọa đàm đều thu hút rất đông người dân và du khách.
Ban tổ chức Lễ hội chụp ảnh lưu niệm. |
Tại một số hoạt động như Lễ diễu hành sáng tạo, các nghệ sĩ đã chủ động đưa cộng đồng vào thành một phần của hoạt động, hay các hoạt động cộng đồng tại Cung Thiếu nhi, các vườn hoa, tuyến phố Tràng Tiền đều hướng đến người dân và du khách.
Mai Chi
Theo