(Xây dựng) - Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, các không gian Pavilion nghệ thuật độc đáo đã mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng, đồng thời để lại dấu ấn sâu sắc trong không gian văn hóa và kiến trúc của Thủ đô.
Pavilion "Dòng" là 1 cụm 2 công trình kiến trúc được đặt tại khu vực Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng. Công trình do Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình, TS.KTS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc quy hoạch trường Đại học Xây dựng Hà Nội và KTS Nguyễn Hồng Quang, Văn phòng Kiến trúc TOOB Studio thực hiện.
Với Pavilion "Dòng", các KTS tiếp tục thể hiện sự trân trọng đối với di sản văn hóa, đặc biệt là vẻ đẹp lịch sử của tòa nhà Bắc Bộ Phủ – nơi từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ và Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Đây cũng là nơi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 và Giải phóng Thủ đô năm 1954. Từ những ký ức lịch sử ấy, Pavilion "Dòng" được thiết kế như một sự kết nối sáng tạo, phản ánh dòng chảy lịch sử của Thủ đô, từ quá khứ hào hùng đến hiện tại.
Pavilion "Dòng" bao gồm hai không gian chính: 1 không gian mở tại Vườn hoa Diên Hồng và 1 không gian đóng bên trong Bắc Bộ Phủ. Điểm kết nối của hai không gian này là một khu vườn nghệ thuật, nơi người tham quan có thể cảm nhận sự hòa quyện giữa di sản và hiện đại, như một dòng chảy lịch sử xuyên suốt.
Khác với những Pavilion thông thường vốn chủ yếu tạo điểm nhấn và định hướng không gian cho các lễ hội, Pavilion "Rồng rắn lên mây" được thiết kế với mong muốn trở thành một phần hòa hợp trong cảnh quan của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, một điểm đáng chú ý là phần lớn vật liệu xây dựng của Pavilion này được tái sử dụng từ các tấm inox gương của Pavilion "Bến chờ" tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, tổ chức tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Điều này mang đến một thông điệp mạnh mẽ về sự bền vững và sáng tạo trong thiết kế.
Tên gọi "Rồng rắn lên mây" được lấy cảm hứng từ hình dạng uốn lượn của công trình, gợi nhớ đến trò chơi dân gian "Rồng rắn lên mây" – một nét văn hóa đã phần nào bị lãng quên trong thời đại ngày nay. Qua thiết kế này, KTS Nguyễn Công Hiệp và các cộng sự từ CA' Library không chỉ muốn tạo ra một không gian uyển chuyển, hài hòa, mà còn khơi gợi sự thích thú và khám phá của thế hệ trẻ, đồng thời kết nối với kho tàng di sản và lịch sử của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Xen kẽ trong không gian Rồng Rắn lên mây là các tác phẩm sắp đặt “Tỷ lệ có phải là vấn đề?” trưng bày các mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:20000 tới 1:75 và bằng các chất liệu khác nhau.
Thông qua các tác phẩm này, tác giả mong muốn mang đến một góc nhìn mới về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đồng thời tôn vinh giá trị di sản độc đáo của công trình.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, các tác phẩm Pavilion tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Nhiều người bày tỏ sự thích thú và ấn tượng sâu sắc khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh tế, mang đậm dấu ấn sáng tạo và văn hóa.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là Pavilion Viglacera Aurora, mang đến cho du khách một trải nghiệm ấn tượng với thiết kế lấy cảm hứng từ hiện tượng cực quang Aurora. Tại đây, Viglacera giới thiệu các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường như: Bê tông khí chưng áp, kính siêu trắng, gạch men Eurotile và đá nung kết Vasta…
Tác phẩm "Phố" qua sự kết hợp của kính siêu trắng, gạch gió từ chất liệu đất sét nung kết hợp hiệu ứng ánh sáng huyền ảo để “vẽ” hình mây trong phố.
Những con đường nhỏ, đặc trưng của phố phường Hà Nội, hiện lên rõ nét qua tác phẩm này. Đây cũng là nơi thể hiện sự giao thoa giữa đô thị hiện đại và những giá trị truyền thống bên dòng sông Hồng lịch sử.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm "Phố" cũng là nơi nhiều du khách trong và ngoài nước gửi gắm những thông điệp tích cực về một thế giới đầy khát vọng tình yêu và hòa bình.
Cùng đó, tác phẩm "Đất" được đặt tại vị trí trung tâm, cũng là giao lộ của các hướng tiếp cận từ vườn hoa vào. “Đất” gồm 16 tác phẩm tranh gạch – mang dấu ấn thương hiệu Eurotile, một thương hiệu gạch ốp lát cao cấp của Viglacera và được tín nhiệm cao trên thị trường.
Vị trí của tác phẩm này tại trung tâm triển lãm không chỉ tôn vinh vẻ đẹp bình dị mà còn khẳng định giá trị trường tồn từ những điều tưởng chừng giản dị, nhưng lại luôn tỏa sáng từ trong tâm thức của mỗi con người.
Tác phẩm "Thế giới song song" tạo nên sự khác biệt nhờ vào sự tương tác giữa các tấm gương luôn chuyển động trong gió. Ánh sáng phản chiếu lên các tấm gương này từ nhiều góc độ khác nhau, khiến khách tham quan trở thành một phần của chính tác phẩm.
Còn với tác phẩm "Mây đa sắc" là một sự cách điệu từ tranh dân gian Hàng Trống, tạo ra những dải màu rực rỡ trên nền chất liệu nhựa tái chế. Thông qua đó, Viglacera Aurora muốn gửi đi một thông điệp: Ngay cả những thứ tưởng chừng vô giá trị, nếu được giảm thiểu tác hại đến môi trường, vẫn có thể mang lại giá trị mới và một đời sống mới.
Pavilion Viglacera Aurora kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và nghệ thuật, tạo ra một không gian sáng tạo đầy màu sắc, nơi các sản phẩm vật liệu không chỉ phục vụ cho ngành xây dựng mà còn góp phần truyền tải thông điệp về tương lai bền vững, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của cuộc sống.
Diệu Linh
Theo