(Xây dựng) –Xóm tôi, với tên gọi Đoàn Kết chỉ có hơn bốn chục mái nhà quần tụ quanh một cái ngã ba nho nhỏ (tiền thân là xóm Ngã Ba). Nơi ấy trước kia là khu trạm xá thời chống Mỹ đã góp bao công sức cho công cuộc vì dân tộc, vì kháng chiến (nghe đâu có anh lính Cu Ba nào đã từng hy sinh ở đấy) nên mọi người cứ đồn rằng khu này dải đất dữ lắm, linh lắm. Dữ thì không biết (vì không bàn về thế giới tâm linh) nhưng giữ gìn nét văn hoá xóm làng thuần Việt thì thật có thừa (tự hào nên cứ khen như vậy cho thoả nỗi yêu thương).
Theo quy hoạch, cùng trên con đường 13B là thuộc một tổ dân phố (dự kiến năm 2020 hay 2030 gì đó là huyện tôi được nâng cấp lên thị xã nên nhà nào cũng có số má hẳn hoi).
Chả hổ danh dân phố. Các giai thanh nữ tú, đám thanh niên choai choai thì hết model này đến mốt nọ, Hàn, Tàu, Âu châu, ta Việt có cả, trông cũng xinh xinh là. Các cụ ông, cụ bà thì nghiêm ngắn hơn hay nói chuyện ngày xửa ngày xưa, khổ lắm nói mãi mà cái đám con trẻ xem chừng khó tin và có phần khó chịu nữa. Thỉnh thoảng góp vui bằng vài ba trận phỏm, tiến lên hay đánh tấn lơ khơ trong sáng, lành mạnh (luật lệ cũng khác lạ, chơi cho hết trang giấy, ai cao điểm nhất thì thắng) ấy thế mà ham ghê, ngày cứ phải dăm ba hiệp đấu trí mới thoả cái sở nguyện. Cuộc sống cứ thế chảy trôi và mỗi thành viên trong phố cũng dần trưởng thành, già đi trông thấy. Còn xóm tôi vẫn giữ được lề lối cũ.
Nhớ ngày còn thơ bé. Bố mẹ tôi được xã cắm cho mảnh đất để an cư lạc nghiệp. Vốn tính hiền lành lại chẳng biết buôn bán gì, chỉ chăm chắm trông vào đồng lương giáo khổ trường công ít ỏi nên bố mẹ tôi chọn mãi chọn lui cuối cùng quyết định chấm sổ, khởi công xây cất ngôi nhà trong mơ này.
Ngày ấy, con đường nhỏ lắm, ngoằn ngoèo, dốc cao cao, hai bên nhiều bụi, cây cối rậm rạp, dây dại leo chằng chịt, hồi tập xe mà thả dốc thì đúng thật cảm giác quá yomost. Cả xóm có vẻn vẹn năm mái nhà đơn sơ như chính bản chất của cái tuổi xưa nay hiếm vậy. Đúng là ngũ đại đồng đường. Thân thiết, chia sẻ từng miếng ăn, niềm vui, nỗi buồn. Nhà tôi ở địa thế cao nhất, bên cạnh có nhà bác Chiều Mùi, xa xa, thấp hơn là nhà bác Lộc Dằn, chú Đính Ưởng, còn phía trước hai mặt tiền là nhà bác Hoa Tuyền, cô chú Khoa Sự. Lại nhắc đến cái thời bao cấp đói vàng con mắt thì có sắn mà ăn, mỡ trộn muối trắng là quá ngon, rất đỗi xa xỉ. Hàng ngày ba anh em tôi phải bê rổ, bê thúng sang nhà hàng xóm giã nhờ sắn miếng rồi mang về rây lấy tinh bột trắng pốp lựa làm từng chiếc bánh xinh xắn, đủ hình thù, chủng loại. Cái khó ló cái khôn, bánh sắn luộc thì ngán ngắc, nên thôi thì đủ kiểu sáng tạo, nhân đũa chứ không có nhân thịt, nhân đỗ như thời nay, cũng lấy đâu ra mỡ, ra dầu mà chiên nóng giòn suồm suộm. Hay là món khoai luộc ăn kèm cá mắm Thanh Hoá mỗi khi bác Lộc gái phần cho, ôi chao là ngon hết sẩy. Nhớ nhất là nhà bác Hoa Tuyền, cả hai bác vừa là nhà giáo, sau lại làm hợp tác xã nên thời đó kinh tế rủng rỉnh nhất. Cứ hễ có gì là hai nhà lại đem cho nhau. Lên đến tận cổng nhà rồi mà vẫn có tiếng với theo "đừng có mà vừa đi vừa bốc nhá". Nhà tranh vách đất trộn rơm, lối sống chân tình mộc mạc ấy đã ăn sâu trong tâm trí tôi đến giờ.
Bây giờ, cuộc đời đã sang trang, dân tứ xứ hoặc vùng lân cận đến nhập cư cũng nhiều, xóm đông lên, giàu có, sầm uất hẳn. Bắt nhịp với thời đại nhưng vẻ thôn quê, đầm ấm của một đại gia đình vẫn luôn còn mãi. Hơn bốn mươi đứa con trong ngôi nhà lớn luôn yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Từ việc hiếu đến chuyện hỷ đều có mặt đông đủ cùng nhau một chân một tay đỡ đần. Đứng đầu là trưởng xóm, trước đây là các bác già dặn kinh nghiệm, nay đã có tuổi thì lui về cho lớp trẻ xốc vác, chỉ giữ vai trò cố vấn. Cũng như một tổ chức cũng có quy định rất rõ ràng, thỉnh thoảng lại tụ họp để sửa đổi cái thông lệ sao cho hợp tình hợp lý trọn cả đôi đằng. Cứ nhà ai có công việc là cả xóm tắt lửa đôi ba ngày nấu nướng, dọn dẹp hộ gia chủ. Muốn gia nhập là phải có cái lễ ra mắt, thôi thì đại diện mỗi nhà một người tham gia mấy mâm cơm nho nhỏ, ấm cùng (nói là nhỏ nhưng cũng đủ hết sơn hào hải vị thôn quê cũng ước chừng ngót nghét chục mâm có lẻ). Chia tay cũng thế! Ngậm ngùi lưu luyến như xa người yêu vậy.
Cái khoản nữ công, nam công hay hót hòn họt xinh đẹp thì xóm tôi cứ gọi là nhất chứ không có nhì. Ai cũng bảo thế. Đơn giản mỗi khi mưa gió sụt sùi chả làm ăn gì được là xóm lại bày trò ăn uống. Khi thì cầy tơ, cầy già bảy món. Có khi chỉ mỗi cái đầu bò các đấng mày râu cũng vẽ vời nào món tái, sốt, luộc, xào, đủ cả. Cánh chị em thì ốc luộc, ốc xào dừa, xào me mới là khoái khẩu bởi thứ nước chấm chua chua, thơm thơm, cay cay của ớt, của gừng và xả đan xen, hoà quyện.
Vui nhất là mỗi dịp cuối năm, khi tất niên gần kề là cả xóm lại dựng rạp to như đám cưới, nhạc xập xình nhộn nhịp, đau đáu chạnh lòng những người xa quê "Happy new year". Hát hò, nhảy múa, thi karaoke. Đám trẻ con liu tiu thì tha hồ mà chạy đùa không bị ai quản thúc. Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, cứ tận khuya mới tan hội. Nhà nào nhà nấy lại chìm trong giấc ngủ say êm đềm...
Lối sống Âu hoá, tây tây hoá thành thị có phần cũng len lỏi vào từng ngõ ngách, từng gia đình nhỏ nên dường như mọi người đâm ra lười vận động, ngại sẻ chia. Đâu đó vẫn còn những hiềm khích, phật ý, chưa vừa lòng, nhưng rồi lắng lại thêm chút nữa, đều bỏ qua, đều buông bỏ vì cái tình làng nghĩa xóm mà xích lại gần nhau. Và tôi vẫn thường nói với các bậc tiền bối, các anh chị em rằng là xóm mình vui thế, đoàn kết thế hiếm có ở đâu được như vậy, đầy chỗ khác cũng khát, cũng thèm cuộc sống bình dị mà nghĩa tình này nên bọn trẻ phải khơi nguồn, phải gìn giữ nếp nhà xưa bình yên, thân thuộc.
Hương Giang
Theo