(Xây dựng) – Sau khi Báo điện tử Xây dựng đưa tin về khả năng thất thu thuế từ hoạt động mua bán bất động sản trên một số địa bàn thuộc tỉnh Lâm Đồng. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả xử lý hình sự nếu đủ căn cứ.
Nhiều người dân cố tình khai thấp giá trị mua bán bất động sản nhằm trốn thuế. |
Ngày 8/9, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 6349/UBND-TKCT do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp ký, yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các giải pháp khai thác nguồn thu, chống thất thu Ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực.
Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, kể cả xử lý hình sự
Theo đó, đối với nguồn thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức và hoạt động công chứng. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các quy định pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề trong hoạt động công chứng, tuyệt đối không hướng dẫn, thông đồng, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai không trung thực giá trị chuyển nhượng bất động sản để giảm nghĩa vụ phải nộp Ngân sách Nhà nước.
Trường hợp có đủ căn cứ xác định công chứng viên có hành vi thông đồng, bao che, tiếp tay, xác nhận sai giá trị thực tế chuyển nhượng trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, làm thất thu Ngân sách Nhà nước thì bị xử lý nghiêm (kể cả xử lý hình sự) theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu hàng tháng, tổng hợp, cung cấp cho cơ quan thuế danh sách tổ chức, cá nhân có hợp đồng mua bán bất động sản, cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng, cho thuê khách sạn,... để cơ quan thuế rà soát, kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng và thực hiện tốt việc quản lý, kê khai, nộp thuế theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, ngày 10/9/2021, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 969/STP-BTTP gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn. Theo đó, Sở Tư pháp đã yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức và hoạt động công chứng, nhất là các quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng theo đúng quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sở Tài nguyên và Mội trường phải cung cấp thông tin các dự án BĐS
Cũng tại Văn bản số 6349/UBND-TKCT, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung đẩy đủ, kịp thời giá đất vào bảng giá đất đối với các tuyến đường chưa có giá đất,... để có căn cứ quản lý thu các loại thuế, phí khi phát sinh chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đã hoàn thành hồ sơ được đưa sản phẩm ra kinh doanh, các dự án đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất để kịp thời yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Mặt khác, Sở này phải thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án giá đất đối với các dự án đầu tư được giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất,...phải đảm bảo năng lực, kinh nghiệm, khách quan, minh bạch trong thẩm định giá theo quy định. Xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm (kể cả xử lý hình sự) đối với doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi xảy ra vi phạm.
Văn bản chỉ đạo từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy sự cầu thị, quyết liệt trong công tác chống thất thu ngân sách. |
Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Tài chính thường xuyên kiểm tra, rà soát để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi hệ số điều chỉnh giá đất đảm bảo đầy đủ, kịp thời, phù hợp giá giao dịch phổ biến trên thị trường để làm căn cứ quản lý thu các loại thuế, phí theo quy định khi phát sinh chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất, chống thất thu ngân sách.
Đối với Cục Thuế tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, sát thực tế trong việc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất nhằm hạn chế thất thu Ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông hoặc từ người nộp thuế, Cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đối chiếu về lịch sử giao dịch và giá trị của bất động sản chuyển nhượng kê khai trong hợp đồng công chứng. Qua kiểm tra, rà soát nếu có căn cứ xác định người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng chưa trung thực, chưa chính xác, không phù hợp với giá thực tế chuyển nhượng thì yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung cho phù hợp. Trường hợp người nộp thuế không chấp hành việc kê khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế thì thực hiện ấn định thuế theo quy định.
“Trường hợp có đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gian lận hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế thì tập hợp, chuyển toàn bộ hồ sơ, chứng cứ có liên quan cho cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật” – Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng còn giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố điều tra, xác minh hành vi gian lận, trốn thuế hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân khi nhận được hồ sơ, chứng cứ do cơ quan thuế hoặc cơ quan khác đề nghị để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng có bài viết phản ánh ý kiến của dư luận việc liệu có xảy ra thất thu thuế Nhà nước nếu thực hiện theo “chỉ đạo lạ” của chính quyền địa phương tại tỉnh Lâm Đồng?
Bài viết có nội dung liên quan đến việc, thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện một văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Bảo Lộc do Phó Chủ tịch Phùng Ngọc Hạp ký ngày 17/8/2021 về việc xác định nghĩa vụ tài chính chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền đất trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, văn bản này có phần can thiệp vào hoạt ngành Thuế, đồng thời có thể gây áp lực cho ngành thuế địa phương, cũng như có nguy cơ thất thu Ngân sách Nhà nước?
Theo văn bản này, UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, trong thời gian vừa qua, UBND thành phố Bảo Lộc tiếp nhận nhiều ý kiến, phản ánh của các tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm tạm dừng xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, với lý do “Giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng không phù hợp với giá trị giao dịch trên thị trường”.
Trước tình trạng đó, UBND thành phố Bảo Lộc đã viện dẫn văn bản được ban hành từ năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng để khẳng định: Việc Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm tự ý tạm dừng xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn là chưa đúng theo quy định, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đến giao dịch.
Do đó, ngày 16/8/2021, UBND thành phố đã tổ chức họp giao ban để cho ý kiến về nội dung này và đã thống nhất yêu cầu Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo đúng quy định và đúng thẩm quyền. Trường hợp việc kê khai, hợp đồng chuyển nhượng còn bất cập, chưa đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì chủ động báo cáo với Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng để Cục Thuế có ý kiến chỉ đạo thống nhất thực hiện chung trong toàn tỉnh.
Tương tự, tại Văn bản số 13/VP của Văn phòng HĐND & UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) ban hành ngày 20/8/2021 cũng cho rằng, từ ngày 26/7/2021 - 17/8/2021, Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm đang tạm dừng giải quyết 227 hồ sơ đề nghị xác định nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai do Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính huyện Bảo Lâm chuyến đến. Việc tạm dừng xác định nghĩa vụ tài chính hồ sơ lĩnh vực đất đai đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch.
Trong văn bản này, Văn phòng HĐND & UBND huyện đề nghị Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm khẩn trương giải quyết dứt điểm các hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đang tạm dừng theo đúng các quy định hiện hành, nếu để hồ sơ tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho tổ chức, cá nhân thì Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND huyện Bảo Lâm.
Như vậy, với hai văn có nội dung tương tự nói trên, UBND thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã khẳng định, quyền chỉ đạo trực tiếp vào hoạt động nghiệp vụ của Chi cục Thuế khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm. Việc ban hành 2 văn bản này dấy lên hoài nghi trong dư luận nhân dân trên địa bàn, châm ngòi cho một trận “đấu tố” của người dân, tổ chức nhằm vào hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế Lâm Đồng.
Ở chiều ngược lại, dư luận đặt câu hỏi, dựa trên quy định pháp lý nào để UBND chỉ đạo, yêu cầu nghiệp vụ ngành Thuế với cơ quan thuế cần được các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng sớm trả lời dư luận để tránh sự hoài nghi về khả năng “lạm quyền” trong công tác quản lý tại địa phương. Đồng thời, dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không việc địa phương can thiệp vào hoạt động chuyên môn của ngành Thuế? Hoặc có hay không việc cơ quan thuế “gây khó dễ” cho người nộp thuế? Hay nguy cơ thất thu từ tiền chuyển nhượng bất động sản tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng?
Như vậy, sau khi báo chí phản ánh ý kiến của dư luận, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có sự vào cuộc quyết liệt, nhằm chặn đứng tình trạng “tiếp tay” cho việc “né” thuế, từ đó sớm ngăn chặn tình trạng thất thu thuế Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên, bất động sản.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.
Đỗ Lê
Theo