(Xây dựng) - Tam Đảo, là tên gọi ba đỉnh núi nổi lên giữa trời và đất Vĩnh Phúc. Ba đỉnh núi ấy luôn có mây mù vây phủ quấn quýt, từ xa nhìn lại, trông giống ba hòn đảo bồng bềnh trong biển mây, thế nên thành tên gọi “Tam Đảo”.
Tam Đảo thủa xưa. (Ảnh tư liệu) |
Dãy núi này nối tiếp nhau kéo dài tới 80km, gắn kết tỉnh Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Thái Nguyên - Hà Nội. Từ Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhìn lên, dãy Tam Đảo sừng sững một bức trường thành thiên tạo xanh biếc vững chãi để Vĩnh Phúc nương tựa mà hướng về sông Hồng - nơi có ngã ba Hạc với điểm hợp nước đặc biệt của sông Hồng – sông Lô - sông Đà. Tam Đảo, cũng là một địa danh hành chính cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.
Núi Tam Đảo, tự bao đời đã được người Vĩnh Phúc tôn kính gọi là núi Mẹ, đối xứng với núi Tản Viên - núi Cha, nơi Ba Vì (Hà Nội) qua “minh đường” là dòng sông Cái - sông Hồng. Núi Cha thờ Tản Viên sơn thánh, núi Mẹ gắn liền với huyền thoại về nàng Lăng Thị Tiêu, người con gái Tam Đảo - hiện thân của một trong bảy nàng tiên xuống núi chữa bệnh cứu dân lành, trừ bạo nghịch giúp nước. Nàng còn là người có công giúp Hùng Vương thứ 6 đánh thắng giặc Ân. Đất nước thanh bình, nàng đã cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7, chàng hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo và tài ba kết duyên chồng vợ.
Tam Đảo qua ảnh tư liệu. |
Trở thành chính vương phi, bà vẫn cùng chồng giữ lối sống bình dị, hết sức chăm lo cho muôn dân được an lạc. Huyền sử còn ghi lại câu chuyện đức vua và vương phi dạy dân trồng lúa nước, dạy dân cửi canh, lễ tiết... Nhớ ơn trọng ấy, nhân dân dựng đền lập miếu, đời nối đời khói hương cung kính phụng thờ Quốc Mẫu.
Tam Đảo ngày nay. (Ảnh: Lưu Ký) |
Cùng với huyền thoại về Quốc Mẫu, nữ chúa Tam Đảo, còn có nhiều dấu tích cho thấy vùng Tây Thiên - Tam Đảo còn là một trong những “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam. Thế nên, đến với Vĩnh Phúc, đến với vùng địa linh này, là “đến với Phật, về với Mẫu”. Rằng, khi Hùng Chiêu Vương Lang Liêu tìm đến Tam Đảo cầu gặp tiên, ngài đã thấy trên sườn non, có chùa cổ ẩn hiện trong mây. Xem thế, đủ thấy Vĩnh Phúc là vùng địa linh, nhân kiệt, nơi sông núi quy tụ hùng khí linh thiêng của đất trời.
Bắt đầu từ km1 - cột mốc chỉ đường của Quốc lộ 2B dưới chân dốc Láp, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên hướng về đại ngàn Tam Đảo. Quốc lộ 2B tựa sợi chỉ thêu đa sắc dẫn ta qua những địa danh thân thuộc: Này là dốc Láp có đình làng Yên Lập, nơi thờ bảy vị đại vương, bảy anh em họ Lỗ ở núi Đinh (Vĩnh Yên), những danh tướng có công lớn giúp nhà Trần đánh giặc nguyên Mông cứu nước (1258); nơi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939), họa sĩ Lưu Công Nhân (1930 - 2007) từng sống vào những năm tháng của thế kỷ XX.
Kề bên là chùa Hà - di tích lịch sử văn hóa tâm linh của vùng đất có tiếng với câu ca “Người xấu như ma, tắm nước chùa Hà lại đẹp như tiên”. Đây cũng là điểm Bác Hồ dừng chân khi Người lên thăm Vĩnh Phúc và làm việc ở Tam Đảo. Đối diện chùa Hà là Văn Miếu, nơi tôn vinh nền khoa bảng của đất và người Vĩnh Phúc.
Tam Đảo nhìn từ nhà thờ đá. (Ảnh: Lưu Ký) |
Cùng với Sa Pa, Đà Lạt, giá trị độc đáo, đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái nơi đây đã mang lại cho Tam Đảo một khu nghỉ dưỡng giá trị.
Quốc lộ 2B, từ đây, bắt đầu uốn lượn qua những khúc cua tay áo, bất chợt mất hút lại bất ngờ mở ra sau mỗi góc khuất của núi non. Một rừng lim nhiều năm tuổi tán ken tán tạo thành vòm xanh rợi mát khởi đầu cho chặng đường đèo. Dưới tán lim, người dân bày mấy quầy giải khát bình dân nhỏ, phục vụ du khách trên đường rời phố lên rừng.
Nếu muốn, trước khi lên đèo, bạn có thể dừng chân, ngả lưng đu đưa trên cánh võng đay dưới tán lim xanh, nghe ríu rít tiếng chim, nghe xôn xao cây lá... sẽ thấy những muộn phiền của cõi thế vốn nhiều phức tạp, chật vật bởi đua tranh, bươn trải như vơi tan, khuây lãng.
Tam Đảo vào mùa tháng 6 sẽ ngát lừng hương hoa dẻ - thứ hoa “đặc trưng” của miền Trung du, thứ hoa luôn làm xao xuyến ngất ngây con tim học trò tuổi cắn chắt, chơi chuyền. Thuở ấu thơ, vào mùa hoa, trong cặp sách của tôi khi nào cũng có dăm bông dủ dẻ. Điểm đặc biệt của loài hoa này ấy là càng héo dường như hoa càng thơm. Hoa dẻ không kết nụ rồi nở hoa như thông thường, mà ngay khi trổ lộc bông hoa đã xòe thành nhiều thùy. Hoa uống sương, tắm nắng gió, lớn dần, cánh hoa từ màu xanh thẫm, chuyển dần xanh ngọc rồi ngả nhẹ màu hoàng anh… Ai hời hợt thoáng qua sẽ chẳng thể nào nhận ra vàng hoa khiêm nhường ẩn vào tầng tầng cây lá. Hoa dẻ không nở mà chín. Tháng 6 là mùa hoa dẻ chín rộ, tỏa ra mùi hương ngây ngất, thanh thoát mà quyến rũ lạ kỳ.
Tháng 6, tháng 7 hằng năm, khi cái nắng nóng nơi đồng bằng lên đỉnh điểm, rất oi bức, ngột ngạt, thì với Tam Đảo, luôn vẹn nguyên sự dịu mát của thiên nhiên. Đặc biệt, sau những cơn mưa đầu mùa, khi nắng hửng sáng những tán rừng, cả đại ngàn tầng tầng lớp lớp cây lá như được tắm gội, cứ thỏa thuê xanh, không gian nhẹ nhõm, trong trẻo, yên lành.
Bên sườn núi, tại đoạn km13 - km14, còn có ngôi đền Cậu tọa lạc. Theo truyền thuyết, cậu là em trai Quốc Mẫu Tây Thiên. Có lời truyền rằng Cậu rất linh thiêng, luôn phù hộ cứu giúp những cảnh đời khó khi tìm về cầu sự chở che nơi cửa Cậu. Đền Cậu cũng là một trong những điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh trong hệ thống hàng chục di tích thờ tự các vị thánh, thần do nhân dân quanh vùng tạo lập nên.
Thẳm sâu trong tâm thức người dân nơi đây, đại ngàn Tam Đảo với Quốc Mẫu, Bà Chúa Thượng Ngàn, các Cô, Cậu, đức Thánh Trần, nhị vị Vương Cô, các vị sơn thần thổ địa… luôn là cha là mẹ, cũng là những bậc thần thánh oai linh với quyền năng siêu phàm chế ngự mọi tai ách, phù hộ độ trì, che chở ban phúc cho dân lành. Theo đó, hệ thống những đền, chùa, miếu, những di tích tín ngưỡng tâm linh mang đậm sắc thái văn hóa Việt sẽ giúp du khách khi đến Tam Đảo không chỉ được đến với thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, với khí hậu đặc biệt trong lành, ôn hòa mà còn được đến với vũ trụ siêu nhiên huyền bí, được trở lại với buổi bình minh dân tộc một cách gần gụi mà rất thiêng liêng.
Kỳ II: Dấu tích lịch sử và những điều trăn trở…
Mạnh Vĩnh
Theo