(Xây dựng) – Sáng 02/4, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, có diện tích 1.600ha, gồm các khu phi thuế quan, cửa khẩu quốc tế, du lịch, công nghiệp…
Sáng 02/4, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. |
Với mục tiêu xây dựng thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới, ngày 05/8/2020, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, với diện tích 1.600ha, gồm 05 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được tổ chức thành 7 khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, Khu công nghiệp và các khu chức năng khác.
UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ mang lại kỳ vọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng. Đó là Hà Tiên sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ giữa hai nước Việt Nam – Camphuchia nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN nói chung. Đồng thời, là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam.
Khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch theo hướng liên kết với các vùng trong tỉnh, khu vực, mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch; huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp để phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới. Tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực biên giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng theo hướng tăng dần tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng.
Tạo ra một vị thế mới để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang.
Hình thành các khu đô thị, khu dân cư, thương mại tập trung dọc biên giới, theo hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề để Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2025.
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ và sản xuất công nghiệp, sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận, đời sống nhân dân theo đó từng bước được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Khi Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được thành lập sẽ mang nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, như: sẽ được ưu tiên tập trung bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin viễn thông… tạo diện mạo cho khu vực vùng biên giới ngày càng khang trang và hiện đại hơn, người dân sẽ được tiếp cận với những dịch vụ tiện nghi hơn, việc đi lại và lưu thông hàng hóa ngày càng thuận lợi hơn. Tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện công tác xã hội hóa các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, du lịch, đô thị… Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên về mọi mặt. Sẽ thu hút các dự án đầu tư vào Kinh tế cửa khẩu trên các lĩnh vực như: Du lịch, thương mại – dịch vụ, công nghiệp sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với gia đình có công và xóa đói giảm nghèo.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư là “Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư, như: Ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư…
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Tiên có tổng cộng 325 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký là 16.633 tỷ đồng, có 36 dự án với tổng vốn đầu tư là 4.441 tỷ đồng, quy mô 780 ha, chủ yếu là các dự án dịch vụ du lịch, phát triển đô thị; đến nay, có 29 dự án đã đi vào hoạt động với vốn đăng ký 2.308 tỷ đồng, quy mô 431ha; 05 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 2.078 tỷ đồng, quy mô 319,42ha và 02 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Trong đó, có 28 dự án đầu tư trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu dự kiến thành lập, với nguồn vốn đầu tư khoảng 3.445 tỷ đồng, quy mô 424ha; có 23 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đăng ký 1.621,49 tỷ đồng, quy mô 166,55ha, 03 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 1.769,11 tỷ đồng, quy mô 228,22ha và 02 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Các dự án nổi bậc trên địa bàn thành phố Hà Tiên như: Dự án Khu đô thị lấn biển của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư C&T, Khu đô thị Du lịch Nam Hà Tiên của Công ty TNHH MTV Thương mại Xây dựng A.C.M, Dự án Khu dân cư Cửu Long, các dự án khu bến cảng, tàu vận tải hành khách của Công ty TNHH Một thành viên Thạnh Thới, Công ty Cổ phần Vận tải Bình An Hà Tiên, siêu thị Coop-Mảt… Hiện nay, thành phố Hà Tiên có khoảng 50 nhà đầu tư tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư thuộc các nhóm: Dự án phát triển đô thị; Dự án phát triển du lịch ven biển. Ngoài ra, còn có Khu công nghiệp Thuận Yên hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư.
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển bền vững kinh tế cửa khẩu. Tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế: thương mại - dịch vụ - du lịch, nông – lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, trong đó thương mại - dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ; thúc đẩy đột phá trong phát triển kinh tế; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và các khu vực lân cận; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; đảm bảo an ninh biên giới, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ là động lực thúc đẩy phát triển thành phố Hà Tiên, để đến năm 2025, thành phố Hà Tiên sẽ trở thành đô thị loại II. Tầm nhìn đến 2040 (theo Quyết định số 29/QĐ-TTg, ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ): Xây dựng Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Huỳnh Biển
Theo