(Xây dựng) - Chợ Đầm (hay còn gọi là chợ Đầm tròn) tại phường Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ bao đời nay được người dân nơi đây xem là một biểu tượng, bởi nó có lối kiến trúc độc đáo, như một nét văn hóa của phố biển Nha Trang. Bên cạnh đó, khu chợ Đầm cũng là một điểm đến thu hút khách du lịch tham quan, mua sắm. Trong những ngày qua, thông tin chợ Đầm sẽ đóng cửa đã làm các thương lái, người dân “kém vui”.
Cổng chợ Đầm. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sở dĩ có tên chợ Đầm là bởi chợ nằm trên một cái đầm cũ, thông ra cửa sông Cái, dưới chân cầu Hà Ra. Đầm rộng khoảng hơn 7ha, hai bên bờ là nhà ở của người dân. Phía cuối đầm, giáp đầu đường Phan Bội Châu lúc bấy giờ là một ngôi chợ cũ được xây dựng vào khoảng năm 1908, thường gọi là chợ Cửa.
Tuy nhiên, chợ cũ không thể tồn tại lâu dài khi dân cư mỗi lúc một đông, nhà cửa mọc lên san sát nhau khiến cho bùng phát ô nhiễm và cảnh quan nhếch nhác. Trước tình trạng đó, việc quy hoạch lại khu chợ này trở nên cấp thiết. Năm 1961, Ty Kiến thiết Khánh Hòa lập một dự án đại cương, xây một ngôi chợ hình tròn thay thế cho chợ cũ. Lúc đó, kiến trúc sư Lê Anh Kim đã phác họa phiên bản đầu tiên.
Đến năm 1964, Tổng nha Kiến thiết lập một đồ án do kiến trúc sư Lê Quý Phong đề xuất, phần chính của đồ án là xây cất một ngôi chợ tròn có mái xếp và một nhánh hình cánh cung. Chính đồ án này được coi là cốt lõi cho việc xây dựng quy hoạch chợ Đầm Nha Trang sau này. Nhưng, cả hai đồ án chưa được thực hiện thì vụ hỏa hoạn lớn bất ngờ xảy ra, khiến 126 ngôi nhà bị cháy rụi.
Mãi đến ngày 12/4/1969, chợ Đầm được khởi công xây dựng dự trên thiết kế của kiến trúc sư Lê Quý Phong. Theo đó, chợ Đầm được xây theo hình hoa sen với đường kính 66.5m, có một tầng lầu hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng trệt và tầng lầu rộng tới 5.270m2, có thể cùng lúc chứa trên 3.000 khách ra vào mua bán.
Cùng với tòa nhà tròn là hai cao ốc 4 tầng A và B, có tầng trệt là thương xá, các tầng trên là chung cư được xây cất theo đường lượn cong bao bọc vành ngoài nhà tròn.
Sau nhiều năm hình thành và phát triển, chợ Đầm đã cũ, xuống cấp nên UBND thành phố Nha Trang đã ban hành kế hoạch thực hiện đóng cửa khu chợ này. Theo đó, 218 hộ kinh doanh trong chợ và ở vành đai chợ phải di dời tài sản đến điểm kinh doanh mới trước ngày 18/4/2021, sau thời gian này, các hộ kinh doanh tự chịu trách nhiệm về hàng hóa, tài sản của mình.
Các hộ kinh doanh, người dân phản đối việc đập bỏ chợ Đầm vì cho rằng chợ Đầm là biểu tượng với lối kiến trúc độc nhất nên cần giữ gìn. |
Theo UBND thành phố Nha Trang trong vòng 8 ngày, từ ngày 10/4 đến ngày 17/4/2021, UBND thành phố Nha Trang thực hiện rào chắn khu vực vành đai, đóng các cửa 1,3,4,5,7,9 và mở các cửa 2,6,8 (cầu thang) để hộ kinh doanh tiếp tục vận chuyển hàng hóa, tài sản ra khỏi khu vực chợ Đầm.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/4, UBND thành phố Nha Trang sẽ đóng toàn bộ các cửa của chợ Đầm. Hiện, UBND thành phố Nha Trang giao UBND phường Vạn Thạnh phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Công an thành phố Nha Trang, Đội thanh niên xung kích thực hiện rào chắn, đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài ra, cũng theo UBND thành phố Nha Trang việc đóng cửa chợ Đầm là do chợ đã xuống cấp sau hơn 50 năm sử dụng. Hiện trần nhà bị bong tróc, khu vực chợ Đầm tròn không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Do đó, việc đóng cửa chợ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho các tiểu thương và người dân mua sắm; đồng thời có mặt bằng tiến hành chỉnh trang chợ theo dự án.
Trước đó, vào năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang đầu tư xây dựng khu chợ mới ở bên cạnh đó để thay thế. Tuy nhiên, từ năm 2014, các hộ kinh doanh liên tục phản đối việc đập bỏ chợ Đầm vì cho rằng chợ Đầm là biểu tượng với lối kiến trúc độc nhất nên cần giữ gìn. Ngoài ra, việc xây dựng chợ Đầm mới chưa tương xứng với chợ Đầm tròn cũ, vị trí không thuận lợi việc kinh doanh, buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn.
Phi Long – Duy Quan
Theo