(Xây dựng) – Ngày 21/12, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý thoát nước và nước thải (Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản) tổ chức trực tuyến hội thảo Việt - Nhật về ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thoát nước. Cục trưởng Mai Thị Liên Hương và Cục trưởng Ryuji UEMATSU đồng chỉ trì hội thảo trực tiếp tại 2 điểm cầu Hà Nội và Tokyo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Xây dựng (Hà Nội). |
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và nhiều chuyên gia các hội, hiệp hội chuyên ngành thoát nước. Hội thảo được tổ chức trực tuyến với nhiều điểm cầu tại Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện nay hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông tại Việt Nam chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Nước thải sinh hoạt cùng với nước mưa được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch vào các sông chính của lưu vực. Đa số nước thải từ toilet được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại của mỗi hộ gia đình trước khi xả vào hệ thống thoát nước công cộng.
Theo số liệu thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật, tại Việt Nam, tỷ lệ đấu nối, thu gom nước thải của hệ thống thoát nước hiện bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống/người còn thấp so với các đô thị trên thế giới (trung bình khoảng dưới 0,5m/người so với thế giới là 2m/người). Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15%. Toàn quốc có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.
PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung, ưu tiên cho lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập, lụt đô thị thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia. Nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thoát nước, Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng hàng đầu là tăng cường hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải. Cụ thể: Tổ chức rà soát điều chỉnh sửa đổi Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về quản lý thoát nước và xử lý nước thải; hoàn thiện cơ chế chính sách về cao độ nền, thoát nước và xử lý nước thải nhằm bảo vệ diện tích bề mặt thấm nước và các dung tích chứa tự nhiên như ao, hồ, sông, suối và tăng dung tích chứa và thoát cho hệ thống cống thoát cũ đang sử dụng.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng nói chung và quy hoạch, công trình hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong đó có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội gắn với môi trường; dự kiến xây dựng Luật Thoát nước và xử lý nước thải.
Theo Cục trưởng Mai Thị Liên Hương, cùng với việc phát huy các nguồn lực trong nước, Việt Nam cũng chủ động, tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với nhiều điểm cầu tại Việt Nam và Nhật Bản. |
Phát biểu tại điểm cầu Tokyo, Cục trưởng Ryuji UEMATSU đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và Bộ Xây dựng trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thoát nước, đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của Cục Hạ tầng kỹ thuật nhằm hiện thực hóa Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 6/4/2016, với những giải pháp rất cụ thể.
Theo Cục trưởng Ryuji UEMATSU, do sự vận động không ngừng của xã hội, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam và đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra không ít vấn đề cần được giải quyết đối với hệ thống thoát nước Việt Nam. Những tồn tại, bất cập của hệ thống thoát nước đã được cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng nhận diện và đang từng bước khắc phục, giải quyết. Với sự hỗ trợ từ các đối tác, tổ chức của Nhật Bản bằng những giải pháp và công nghệ hiện đại được giới thiệu tại hội thảo, Cục trưởng Ryuji UEMATSU tin tưởng ngành thoát nước Việt Nam sẽ phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và với các tác nhân khác.
Chia sẻ về một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các công trình thoát nước tại Việt Nam, ông Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thoát nước và Xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Hướng dẫn về quản lý, xây dựng, cập nhật, lưu trữ cơ sở dữ liệu của hệ thống thoát nước, chống ngập ủng và xử lý nước thải. UBND cấp tỉnh tổ chức, lập kế hoạch, giải pháp chống ngập toàn diện và tổng thể cho các đô thị. Để đạt được mục tiêu Định hướng phát triển thoát nước là 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành và tổ chức thực hiện quy định quản lý thoát nước địa phương và giá dịch vụ thoát nước. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế WB, ADB, GIZ,... đặc biệt là JICA trong hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, dự án đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập tại Việt Nam.
Đến với Hội thảo, GS. Toru Watanabe - Đại học Yamagata cho biết, ở Nhật Bản, khi đường thoát nước thải ngày càng phổ biến, thiệt hại do ngập nước đã giảm và môi trường nước xung quanh đã được duy trì tốt hơn. Tuy nhiên, tại các địa phương có dân số ngày càng giảm, năng lượng và chi phí duy trì đường thoát nước thải lại trở thành bài toán nan giải.
Từ thực tế đó, Nhật Bản đã nghiên cứu, triển khai áp dụng chương trình đường thoát nước thải BISTRO. Chương trình này đã mang lại vai trò mới cho đường thoát nước thải, như là một cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển nông nghiệp địa phương. GS. Toru Watanabe - Đại Học Yamagata nêu lên những đặc điểm nổi bật của hệ thống tiên tiến tái sử dụng nước thải phục vụ nông nghiệp - Mô hình BISTRO tại Thành phố Tsuruoka, Nhật Bản, đồng thời đưa ra lời khuyên cho Việt Nam nên áp dụng đường thoát nước BISTRO ngay từ giai đoạn hoàn thiện đường thoát nước thải. Việc làm này sẽ góp phần quan trọng giúp ngành sản xuất lương thực phát triển ổn định, bền vững, hình thàn một xã hội kiểu tuần hoàn và xã hội khử carbon.
Giáo sư Toru Watanabe – Trường Đại học Yamagat (Nhật Bản). |
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày nhiều tham luận khoa học, nhiều công nghệ hiện đại xoay quanh chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thoát nước, bao gồm: Hệ thống lọc tốc độ cao; Kiểm soát sục khí với cảm biến ammonia và sử dụng khí ga phân hủy; Xử lý nước thải tiên tiến cho du lịch bền vững; Dự báo tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với Việt Nam; Giới thiệu các giải pháp chống ngập tại Thành phố Yokohama, Nhật Bản; Giải pháp thoát nước chống ngập cho thành phố Vinh; Hệ thống dự báo ngập úng thời gian thực sử dụng dữ liệu vệ tinh SAR; Ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm trong lĩnh vực thoát nước tại Việt Nam; Hệ thống bơm chống ngập của Kubota; Công nghệ bê tông chống ăn mòn có thể áp dụng trong các công trình lưu trữ nước mưa; Giới thiệu công nghệ bơm cửa cống FLOOD BUSTER.
Toàn cảnh Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cảm ơn các chuyên gia, đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến góp ý. Những ý kiến, giải pháp đề xuất tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp làm nguồn tài liệu quý báu để Bộ Xây dựng tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực thoát nước, qua đó giúp ngành thoát nước Việt Nam phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thảo Phương – Anh Đức
Theo