(Xây dựng) - Đã một tuần lễ bão số 3 đi qua và tuần đầu tiễn đưa hương hồn Thiếu tá Trần Quốc Hoàng, cán bộ Trại giam Quảng Ninh hy sinh khi làm nhiệm vụ; căn nhà của ông Trần Văn Chất - bố của liệt sỹ ấy ở tổ 10A khu 4B, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long vẫn có nhiều cơ quan đoàn thể, bầu bạn xa gần đến chia buồn tang quyến, xót thương người chiến sỹ Công an hy sinh trong bão lụt.
“Cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị trẫm mình trong bão lũ cứu dân, sau lưng họ căn nhà nơi cư trú còn đơn sơ, con nhỏ, vợ ôm bụng đến tháng đẻ… cũng là nạn nhân bão số 3, cầm lòng điều quân vì nhiệm vụ” - Trưởng Công an huyện Vân Đồn, Thượng tá Nguyễn Trọng Quyết tâm sự. |
Ông Trần Văn Chất, nheo nheo đôi mắt, tuổi áp thất thập chẳng rõ khóc hay cười rầu rầu bảo, mọi khi ngày nghỉ cuối tuần Trần Quốc Hoàng về nhà, nhưng thứ 7 tuần này (7/9) không về mà ở lại đơn vị thường trực chống bão. Sáng 7/9, bão ập vào Quảng Ninh mưa gió to dần, chiều và tối ở khu vực phường Hùng Thắng nguyên là hòn đảo, gần biển nhiều giờ liền bão giật cấp 17. Người trên tầng 3 mà cảm giác nhà lắc như đưa võng, ngoài đường phố cây đổ, tấm tôn, gạch ngói theo mưa gió bay như phim bão cát sa mạc.
Trần Quốc Hoàng từ đơn vị nhắn tin về vài dòng ngắn ngủi, mong bố mẹ cẩn thận đóng cửa không ra ngoài, phòng khi cây đổ, vật liệu xây dựng trên cao bay xuống văng vào người nguy hiểm. Rồi trong giây lát toàn thành phố mất điện lưới, mất mạng viễn thông mà bặt tin con; ngờ đâu dòng tin nhắn còn lại, mà người ra đi mãi mãi…
Ông Trần Văn Chất nói chưa hết, mẹ Trần Quốc Hoàng là bà Đào Thị Liên nước mắt rơi, nấc lên, khóc không thành tiếng; chị Lê Ngọc Bích, Phó Bí thư Đảng ủy phường Hùng Thắng, cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố đến chia buồn mủi lòng quàng vai an ủi.
Bà Đào Thị Liên rưng rưng, con tôi bất hạnh, đường vợ con lận đận, đã 2 lần kết hôn mà không thành tổ ấm. Bàn dân thiên hạ bảo, chúng tan đàn xẻ nghé chẳng rõ “cơm sống tại nồi hay tại vung”, những người “ở trong chăn mới biết chăn có rận” không phải ai làm Công an cũng có thu nhập ngoài lương. Ông Chất nhà tôi đây sĩ quan Công an cắm bản ở huyện biên giới Bình Liêu, cả đời công tác trong ngành khi về hưu chẳng tích lũy được là bao. Tôi làm ngành Xây dựng quen biết cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, họ bán rẻ cho mới dựng được nếp nhà này. Con nối nghiệp cha làm Công an bảo vệ trại giam khó khăn lắm, vừa lĩnh lương xong đã hết tiền, chắc chẳng xứng trụ cột gia đình, nhiều khi vì việc công ở tịt đơn vị...
Bà Liên không nói gì thêm, tránh tiếng bấc tiếng chì cho người ở lại. Trần Quốc Hoàng hy sinh đơn vị vẫn là nhà, nay bố mẹ phải lập bàn thờ đón hương hồn con về thờ cúng. Nhìn 2 cháu nội còn nhỏ dại, anh lớn Trần Hoàng Nam sinh năm 2012, em bé Trần Nguyễn Thảo Anh sinh năm 2018 lũ trẻ mồ côi mà lòng xót thương.
“Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời”, ông Trần Văn Chất khấn gọi tên con, an ủi lòng mình khi người con Trần Quốc Hoàng hy sinh người không còn nữa, nhưng thắp sáng thêm truyền thống gia đình con nối nghiệp cha vì an ninh Tổ quốc. |
Khoảnh khắc trước lúc Trần Quốc Hoàng lâm chung thì báo đăng đài nói đã nhiều. Vắn tắt, nửa đêm ngày thứ Bảy 7/9 rạng ngày 8/9 (tức đêm mùng 5 bước sang canh giờ ngày 6/8 năm Giáp Thìn) trời đất mịt mùng, trên cao gió giật mạnh, mưa lớn trút nước xuống, dưới thấp lũ quét dâng cao. Phân trại số 2 Quảng Ninh ở thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long nằm dưới thung lũng dãy núi Thiên Sơn cao 1.096m, thuộc rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng, nơi đây hễ mưa xuống là lũ rừng cuồn cuộn kéo về. Khu nhà phạm nhân ở đã lường trước bất trắc ấy, quy hoạch xây dựng trên thổ đất cao, chưa trận mưa bão nào nước lụt được đến sân; nhưng trận mưa bão này quá lớn, nước ngập lụt đến sàn giường khu buồng giam số 1 và số 5.
Tình huống khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng của nhiều phạm nhân, lãnh đạo trại giam đã phân công 3 cán bộ, chiến sĩ gồm: Trần Quốc Hoàng, Phạm Xuân Thanh và Phan Đình Long di dời phạm nhân lên tầng 2 tránh lũ. Đưa xong phạm nhân đến nơi an toàn, Trần Quốc Hoàng và Phạm Xuân Thanh lại lội nước ra phía sau để mở cổng phụ nhằm cho lũ thoát ra ngoài. Phạm Xuân Thanh đi được vài bước thì bảo, mình về phòng cất điện thoại phòng bị ngâm nước hư hỏng, phút chốc theo chân Trần Quốc Hoàng. Người cách người vài bước, mà đêm đen mưa gió ánh đèn pin lu mờ không rõ mặt người, Phạm Xuân Thanh như thoáng thấy bạn mình vừa mở chốt cổng thì lũ ập vào, ngờ đâu nước bên ngoài còn dâng cao hơn mức nước trong khuôn viên trại. Tích tắc dòng nước cả đánh sập và cuốn đi cánh cổng cùng bức tường bao, kéo luôn Trần Quốc Hoàng theo lũ xiết. Phạm Xuân Thanh hô hoán đồng đội đến cứu bạn nhưng không kịp, thung lũng rừng Đồng Vải như một biển nước đục ngầu cuộn lên dữ tợn.
Nay di ảnh Trần Quốc Hoàng kết dải khăn tang, anh ra đi khi làm nhiệm vụ mà lòng tôi se lại. Tự hỏi lòng mình, quanh ta còn bao người tốt? Trong gian nan lòng người xích lại, trong hoạn nạn mới tỏ lòng người có nhân; và thước đo cao thấp những giá trị tư chất công bộc là đây. Đời thường sắc áo Công an đây đó còn vương vết nhọ “con sâu bỏ rầu nồi canh”, khi họa thiên tai bao cán bộ, chiến sỹ “vì dân phục vụ”, họ gồng mình trong bão lũ, đối mặt với nguy hiểm để cứu nhân dân khi họ cũng còn bao nỗi lo toan. Căn nhà nhỏ, tổ ấm gia đình của họ nơi cư trú cũng nằm trong rốn bão, chẳng biết gió cuốn đi lúc nào. Người vợ thì bận bịu với lũ con thơ, đứa thì đầu gối, đứa cánh tay, bão lụt vầy nhà thiếu vắng bàn tay đàn ông, chẳng biết vợ con xoay sở thế nào! Điện thoại cầm tay có như không, ngoài trời gió lạnh hẳn trong lòng nóng như lửa đốt.
Đến hôm nay mình còn bần thần như có món nợ để sâu trong đáy lòng, ấy là khi gặp cụ Nguyễn Thị Dại 88 tuổi, ở thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn vừa súy chết đuối đơn độc trong căn nhà nhỏ. Cụ Nguyễn Thị Dại bảo, cụ ông đã về già, mình có 7 người con chúng trưởng thành làm ăn sinh sống ở xa, nhiều lần ngỏ ý mời mẹ về nhà chúng ở. Nhưng cụ chưa nghe vì quen sống cảnh đồng quê và tự chủ, mỗi tháng đám con hiếu thảo cũng thay phiên nhau đến phụng dưỡng, chu cấp gạo thóc.
Cụ Nguyễn Thị Dại 88 tuổi, ở thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn tay đưa ra nắm gạo ẩm rầu rầu: Nước lũ cướp đi hết gia sản chỉ còn yến gạo mục, người may được các chú Công an cứu sống. |
Ngày 7/9, bão số 3 ập vào thôn gió giật ghê rợn, mưa như trút nước, chỉ vài tiếng đồng hồ thôn Xuyên Hùng ngập lụt. Nước mênh mông bể sở, cách bức giao thông với xã, điện đóm mất, điện thoại không liên lạc được, trẻ già gào khóc kêu cứu như hụt hơi trong tiếng gió rít, cây đổ, tấm lợp, tôn ngói bay như đàn ong vỡ tổ, nước lụt thì mỗi lúc một nâng cao. Cụ Nguyễn Thị Dại đã kê ghế đẩu lên giường đứng, mà nước còn dâng lên đến thắt lưng, thầm nghĩ tật này mình chết đuối. Trong lúc lâm nguy, thì ngoài trời có tiếng người vọng vào: “Trong nhà có ai không?”; cụ Nguyễn Thị Dại mừng mừng, tủi tủi, miệng phều phào… có…có! Cánh cửa bung ra, 3 chiến sỹ Công an vực cụ lên chiếc thuyền nhỏ đưa lên ụ đất cao, chiếc thuyền nhỏ lại bơi đi cứu những người khác.
Khi bão tan cụ Nguyễn Thị Dại mới biết, thôn mình 73 hộ dân bị nước tràn vào nhà; trong đó, 71 hộ bị nước ngập sâu từ 30 phân đến 1 mét rưỡi, 30 hộ bị nước ngập đến 2 mét, 2 hộ sập nhà sập cửa. Rất may dân không ai chết đuối, nhờ được các chú Công an huyện đến cứu nạn kịp thời.
Cặp vợ chồng già cụ Trần Văn Soi - Tạ Thị Thu cùng tuổi 87, ở thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên, Vân Đồn bảo hạn thiên tai trận này không chết, sống bách niên thì đội ơn chú Quyết, Trưởng Công an huyện Vân Đồn. |
Trưởng Công an huyện Vân Đồn, Thượng tá Nguyễn Trọng Quyết khiêm tốn không muốn nêu việc tốt đơn vị mình giúp dân phòng chống thiên tai, nhưng khéo khêu chuyện cùng vắn tắt cho biết, khi nhận được tin cấp báo thôn Xuyên Hùng bị lụt, mình đã xin ý kiến lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo huyện Vân Đồn cho cất quân đi cứu nạn; đồng thời huy động ngay lực lượng và xe máy lên đường.
Thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên xa thị trấn huyện ở mãi cuối đảo Cái Bầu, dọc đường cây đổ vừa đi vừa phải phát cây mở đường. Đến nơi cảnh tượng thương tâm, thôn Xuyên Hùng nghèo dân chủ yếu còn ở nhà cấp 4, nước lụt trắng băng, đoạn đường ở thổ đất trũng lụt sâu trên 2m. Nhiều tiếng kêu cứu thất thanh, trẻ già khóc mếu, người leo lên cây cao, người dỡ ngói trèo trên mái nhà, người bì bõm dìu nhau vượt lũ mà thiên tai vẫn chưa tha, gió vẫn thổi mạnh, mưa vẫn nặng hạt, nước lụt vẫn dâng cao.
Vân Đồn trên 3.500 ô lồng nuôi cá biển sau bão chỉ còn những xác phao, đoạn tre, mảnh ván, tấm lợp… nổi lềnh bềnh trên mặt nước. |
Nguyễn Trọng Quyết đã linh hoạt phân công những cán bộ, chiến sỹ trẻ khỏe, thạo sông nước mặc áo phao trực tiếp bơi ra cứu dân, một đội nhanh chóng chặt cây chuối, cây tre, cây dùng… kết bè mảng chuyển cho đội dưới nước; một đội ra biển tìm kiếm thuyền nhỏ của ngư dân, mượn về thả xuống vùng ngập lụt cứu dân. Các chiến sỹ nhanh chân vượt đường dài trên 2km ra mép biển, khiêng về được 2 chiếc thuyền nhỏ đúc bằng nhựa composite cả đơn vị mừng như vớ được của, nó là phương tiện chủ lực cứu dân trong lũ lụt. Tưởng mọi việc đã ổn thì lại tin cấp báo, thôn Cái Bầu và thôn 10/10 xã Vạn Yên nguy nan, khóm dân thì núi đồi sạt lở, khóm dân thì lũ quét, lực lượng có vậy lại phải xé lẻ lên đường mở thêm mặt trận cứu nạn mới.
Anh Phạm Văn Đại, khu 9 thị trấn Cái Rồng, nuôi cá lồng bè ở vùng nước hòn Tỳ Nam. Sau bão số 3 nhà bè chỉ còn xác lều bẹp, hàng chục tấn cá song hoa đến kỳ thu hoạch, cùng lồng lưới ngư cụ bị sóng biển cuốn đi. Vốn liếng còn gán nhà cửa vay tiền ngân hàng, khóc mà không ra nước mặt. Nhận hộp cơm do Thượng úy Lê Văn Vui tổ đường thủy, đội giao thông trật tự Công an huyện mang đến khi đói, nguồn lực động viên anh vượt lên trong cuộc sống. |
Nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Vân Đồn ở đơn vị thì dấn thân cứu dân, nhưng chính nhà mình cũng bị bão lụt tàn phá, phải gửi gắm vào chính quyền nơi cư trú và đơn vị bạn giúp đỡ như: Phạm Thị Thu Hiền, Phó Công an thị trấn Cái Rồng, chồng là Trưởng Công an xã Thanh Sơn (Ba Chẽ) nhà 2 con nhỏ, khi bão đến cả 2 vợ chồng cùng trong phiên thường trực chống bão ở cơ quan; Nguyễn Đức Mạnh, Công an xã Hạ Long nhà bị tốc mái hoàn toàn, sập hẳn một gian nhà; Nguyễn Quốc Mạnh, ở Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, nhà bị tốc mái, vợ thì một tay ôm con một tay ôm bụng sắp đến tháng đẻ. Còn Bùi Huy Toàn và Hoàng Thu Trang cặp chiến sỹ trẻ cùng đơn vị đã phát đi thiếp hồng ngày cưới, hôn lễ phải rút lại để cô dâu chú rể cùng đồng đội chung tay chống bão lụt.
Tổ đường thủy thuộc Đội giao thông trật tự Công an huyện Vân Đồn, là nòng cốt chuyển bữa cơm từ thiện miễn phí đến tay ngư dân trên vịnh Bái Tử Long khi vừa lâm nạn trong trận bão số 3; gạo thóc, nồi niêu, vò nước ngọt của ngư dân bị sóng biển cuốn đi “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. |
Đoạn Nguyễn Trọng Quyết như dơm dớm nước mắt, chẳng rõ mình nói với ai hay nói với lòng mình.
“Thương quá! Mới hôm trước cho lính giúp ngư dân chằng chống, cột dây neo nhà bè nuôi cá trên vịnh Bái Tử Long. Bà con ngư dân cảm động nhắn tin cảm ơn, trong đó có ông Long Văn Quảng, nhà ở khu 9, thị trấn Cái Rồng. Hôm sau ông Quảng đã bị sóng dữ đưa đi mãi mãi, dòng tin nhắn tri ân còn để lại. Một trận bão khủng kiếp, chằng chống, dây neo chắc chắn đến mấy cũng không chịu nổi sóng quá to, gió quá lớn. Trên 3.500 ô lồng nuôi khoảng 636 tấn cá biển đến kỳ thu hoạch của ngư dân Vân Đồn chỉ còn những xác phao, đoạn tre, mảnh gỗ… nổi chìm dưới lớp sóng tàn nhẫn.
Sau bão, Công an huyện Vân Đồn bước vào nhiệm vụ chính của mình, chống kẻ xấu lợi dụng thiên tai trộm cắp, hôi của của người bị nạn. Lại cùng với những nhà hảo tâm thổi nồi cơm từ thiện, đến bữa vượt sóng ra khơi đưa đến tận tay bà con ngư dân còn bận bịu khôi phục lại thuyền bè, ngư cụ nuôi trồng thủy sản và không để ai đứt bữa khi hũ gạo bị sóng biển cướp đi.
Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long Phạm Văn Luyến tỏ lòng kính phục Công an khi lụt bão, họ là lực lượng nhanh nhất, chính quy nhất, khả năng huy động xe máy cứu hộ hiệu lực nhất, lại sát sườn với người dân và không dấu nổi xúc động bảo: Quảng Ninh phần lớn chỉ biết đến trận siêu bão số 3 đổ bộ vào sáng ngày 7 đến ngày 8/9 gây thiệt hại nặng nề. Nhưng trận đại lụt ở thôn Đá Trắng và thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất xảy ra vào ngày 9/9, gần 200 hộ dân ngập sâu trong lũ rừng thì còn ít người biết. Hai thôn hạn chế được thiệt hại, không thương vong là nhờ các đồng chí Công an thành phố và Công an tỉnh kịp thời cứu hộ. Một số hộ chủ quan, phải áp dụng biện pháp cưỡng chế di dời đến nơi an toàn mới được vậy.
Ông Nguyễn Văn Tý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đá Trắng bảo, thiên tai kỳ lạ bão số 3 ập vào địa phương hôm 7/9, đến 9/9 trời ngớt mưa gió thì dưới suối nước bỗng dâng lên. Rồi nước ồng ộc tràn vào đồng ruộng, làng mạc. Nước dâng thành 3 đợt, lúc lên cao lúc hụt hẫng xuống tạo dòng xoáy ghê rợn; khủng khiếp đến mức một nấm mộ mới chôn ở thôn Đồng Quặng, đã đào sâu chôn chặt còn bị lũ rừng moi lên, cuốn đi.
Thôn Núi Mằn có 251 hộ dân thì trên 140 hộ nước ngập sàn nhà chính, khoảng 80 hộ nước ngập sâu từ 2-3m; thôn Lưỡng Kỳ bên cạnh khoảng 50 hộ chìm sâu trong nước. Lực lượng Công an, quân đội đến cứu hộ, cứu nạn rất đông, nhưng cảm động nhất là lực lượng Công an đến sớm nhất, có thể do lợi thế lực lượng sát dân mà thực hiện được phương châm “4 tại chỗ” theo phương án phòng chống thiên tai. Sắc áo Công an trẫm mình dưới nước giá lạnh nhiều giờ liền, người này cõng cụ già em nhỏ vượt lũ, người kia giúp dân khuân vác tài sản di chuyển lên nơi cao ráo. Họ không quản nguy nan, cứu nhiều người thoát chết trong gang tấc khi nhà cửa sập đổ, khi nước xiết cuốn trôi…; mà sau lưng họ còn gánh nặng gia đình. Nhà cửa, vợ con cũng đang là nạn nhân của trận bão lụt này.
Hình ảnh nghẹn lòng về chiến sỹ Nguyễn Thị Thảo, công tác ở Phòng hậu cần Công an tỉnh (trụ sở ở phường Bãi Cháy), chồng là Trần Việt Dũng chiến sỹ Công an phường Cẩm Thủy (Cẩm Phả) nhà ở tổ 5 khu 3, phường Hà Lầm khi bão đến tuy là ngày nghỉ cuối tuần họ vẫn đến cơ quan, cùng đơn vị đi giúp dân chống bão. Căn nhà đơn sơ của họ ở mãi tít phố núi với 2 con nhỏ; khi bão ập đến phải điện về nhờ người bạn hàng xóm đưa các cháu đi lánh nạn.
Khi hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, Trần Việt Dũng về đến cổng thì ôi thôi căn nhà mình chỉ còn 4 bức tường, mái nhà bay tận đâu không biết, giường tủ đổ nát, tài sản phần theo gió bay đi, phần vụn nát, sũng nước không dùng lại được. May mà 2 đứa con nhỏ thoát ra ngoài, được người hàng xóm nhân đức che chở.
Những nghĩa cử thầm lặng của họ nhưng “hữu xạ tự nhiên hương” làm sáng thêm tư chất của Đảng, tô thắm niềm tin của người chiến sỹ Công an thực hiện 6 điều Bác dạy đã lắng đọng trong lòng dân; bão đi qua, tình thương để lại.
Vũ Phong Cầm
Theo