(Xây dựng) - Thời gian gần đây tại thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội xuất hiện la liệt những nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Điều đáng nói, tình trạng buông lỏng quản lý trong đất đai và trật tự xây dựng của chính quyền địa phương là điều kiện để các nhà xưởng trái phép đua nhau “mọc” không chỉ ở xã Kim Chung mà còn lan sang nhiều khu khác của huyện Hoài Đức.
La liệt nhà xưởng “vô tư” mọc lên trên đất nông nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, vài năm trở lại đây, hàng ngàn m2 đất nông nghiệp tại địa bàn thôn Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) đang được nhiều người dân “tự tiện” chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, trật tự xây dựng. Mặc dù, những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại đây diễn ra nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương rất “thờ ơ” trong việc xử lý, càng khiến cho vi phạm có điều kiện phát triển. Theo phản ánh của người dân cho biết, để xây dựng được những nhà xưởng này thì người dân phải “làm luật” với chính quyền và Thanh tra xây dựng, cứ thế người nọ bảo người kia, hàng trăm nhà xưởng cứ ồ ạt được xây dựng ngay trên đất canh tác của họ.
Việc buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại đã tạo điều kiện để các nhà xưởng đua nhau mọc lên như “nấm sau mưa”.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt trực tiếp tại xã Kim Chung, theo đó hiện nay tại thôn Đại Tự có hàng trăm công trình nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp, như đang “thách thức” chính quyền sở tại. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng có lẽ những nhà xưởng này đã được “bảo kê” nên nó vẫn tồn tại nhiều năm qua.
Phần lớn những nhà xưởng mọc lên để phát triển làng nghề kim khí.
Lý do khiến các nhà xưởng tại đây “bùng phát” bởi khu vực này được ví như một khu tiểu thủ công nghiệp để phục vụ nhu cầu phát triển làng nghề luyện kim khí. Để thực hiện “mưu đồ” dựng xưởng trên đất nông nghiệp, nhiều khu đất được để không để đổ phế thải, vật liệu xây dựng, đến khi có “cơ hội” thì tại khu đất này được dựng các nhà xưởng mới.
Tình trạng buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng không chỉ diễn ra tại thông Đại Tự mà còn lan sang các khu vực khác như: Khu Bãi Ngòi - thôn Mộc Hoàn Giáo và thôn Quyết Tiến xã Vân Côn - huyện Hoài Đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc dư luận, nhân dân.
Trong khi đó, thời gian qua lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt trong chỉ đạo các quận, huyện về đất đai và quản lý trật tự xây dựng. Nhưng tại địa bàn xã Kim Chung nói riêng và huyện Hoài Đức nói chung, hàng loạt các nhà xưởng vẫn “vô tư” mọc trái phép trên đất nông nghiệp, việc này khiến dư luận hoài nghi về việc có sự “bao che”, “tiếp tay”của chính quyền sở tại.
Cũng theo Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội nêu rõ: Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Một công trình được xây dựng trái phép trên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tín nhưng UBND xã Kim Chung “thờ ơ” không xử lý.
Cũng liên quan đến tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, ngày 13/4/2018 Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết: “Hoài Đức (Hà Nội): Dân chưa được bồi thường đã bị Chủ đầu tư “nhảy vào” thi công xây dựng” phản ánh về việc: Mặc dù chưa chấp thuận với phương án nhận đền bù GPMB cho Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tuy nhiên gần đây mảnh đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tín đã bị một số người vào tổ chức đào bới, thi công xây dựng nhà xưởng. Dù chủ sử dụng của mảnh đất đã có đơn gửi tới các cấp chính quyền địa phương, nhưng công trình xây dựng trái phép này vẫn “ung dung” được thi công, hoàn thiện. Có hay không sự “bảo kê” của chính quyền địa phương?
Theo đó, dù đang quản lý mảnh đất của gia đình, nhưng vừa qua có một số người đã “tự tiện” nhảy vào tổ chức thi công xây dựng nhà xưởng trên mảnh đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tín. Việc này, thể hiện sự “quan liêu” tác trách của UBND xã Kim Chung trước công trình xây dựng trái phép vẫn “ung dung” xây dựng.
Trước thực trạng buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại xã Kim Chung, đề nghị UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho thanh tra, kiểm tra, làm rõ những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.
Việt Khoa - Quang Dương
Theo