Dù xuất khẩu chưa đạt như kỳ vọng, song nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhiều tiềm năng với ngành thép.
Sản xuất phôi thép tại nhà máy luyện thép. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN) |
Năm 2020 đánh dấu mốc 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ và Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác dẫn đầu về thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Với ngành thép, dù xuất khẩu chưa đạt như kỳ vọng, song nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, đây vẫn là thị trường nhiều tiềm năng.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam, tháng Tư, Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt 582.000 tấn thép, kim ngạch đạt 318 triệu USD. So với tháng Ba, con số này giảm 28,6%, nhưng lại tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái về sản lượng xuất khẩu.
Tính chung bốn tháng 2020, Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt hơn 2,5 triệu tấn, với kim ngạch đạt 1,42 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng gần 11% về sản lượng, nhưng giảm 5,5% về trị giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, về thị trường, Hoa Kỳ đến nay chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 3,5%.
Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, so với thời điểm cuối năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã giảm từ mức hơn 6% xuống còn 3,5%. Ngoài nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều thị trường đóng cửa thì việc thị trường Hoa Kỳ những năm qua liên tục có những vụ kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá với mặt hàng sắt thép, khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh và mất dần thị phần tại đây.
Chuyên gia ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa cho biết vụ kiện phòng vệ thương mại cũng là nguyên nhân khiến cho thép Việt Nam chưa thể đẩy mạnh vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ Thương mại, tính đến tháng 5/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 174 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh và 34 vụ việc tự vệ.
Chỉ riêng năm tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 10 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, đồng thời tiếp nhận xử lý ba vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra trong thời gian tới.
Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 34 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ việc...
Trong thời gian tới, xu thế của các thị trường là sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại. Bởi lẽ, ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu càng khó khăn thì nguy cơ họ viện tới các công cụ phòng vệ càng tăng. Mà dịch COVID-19 lại đang khiến tình hình sản xuất ở các thị trường bị đình đốn.
Dù xu hướng phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ với sản phẩm sắt thép nói riêng và với nhiều ngành hàng vẫn tiếp tục, song nhiều ý kiến cho rằng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiềm năng, nếu bản thân các doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng các tiêu chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho rằng không có cách nào tuyệt đối để tránh bị khởi kiện phòng vệ thương mại, chỉ còn cách đối mặt. Doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, tham gia tích cực vào các cuộc điều tra có thể nhận được mức thuế phòng vệ thấp hơn hoặc không bị áp thuế.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp có chiến lược trọng tâm là xuất khẩu và vào các thị trường có nguy cơ cao, việc chuẩn bị kiến thức về các vụ kiện phòng vệ, nguồn lực để tự bảo vệ mình là rất quan trọng, bà Trang nói thêm.
Đơn cử như trong vụ kiện phòng vệ thương mại với sản phẩm thép cán nguội và chống ăn mòn do Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng, Tập đoàn Hòa Phát với sự chủ động của mình đã được loại trừ khỏi biện pháp áp thuế.
Hiện nay, trong số các thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát, Campuchia vẫn đứng đầu, Nhật Bản thứ hai, Canada thứ ba. Tiếp theo đó mới đến Hoa Kỳ và Malaysia. Điều này chi thấy, xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được như mong muốn của nhiều doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sưa cho hay, thị trường Hoa Kỳ dù chiếm tỷ lệ nhỏ, song đây vẫn là thị trường tiềm năng. Với những tiêu chuẩn khắt khe, doanh nghiệp nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, quy chuẩn sẽ có được lợi thế lớn.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu thị trường, phòng vệ không riêng thị trường Hoa Kỳ mà nhiều thị trường khác, sẵn sàng thông tin để có thể phối hợp với cơ quan chức năng phía Việt Nam và phía Hoa Kỳ, tránh được những vụ kiện gây ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu./.
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: