(Xây dựng) - Ngày 13/5/2020, Bộ Công Thương có Kết luận số 3424/KL-BCT về một số nội dung theo thông tin phản ánh tại trường Đại học Điện lực liên quan đến việc tuyển sinh dưới điểm chuẩn; sinh viên trong diện tuyển vượt chỉ tiêu liệu có được công nhận tốt nghiệp? Xử lý đường dây “chống trượt”? Về một số vụ việc nêu trên, ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Trường Đại học Điện lực Hà Nội mỗi năm có hơn 10 ngàn sinh viên theo học tại 14 khoa, ngành. |
PV: Mặc dù trong Kết luận Thanh tra số 3424/KL-BCT không đi sâu vào nội dung liên quan đến việc tuyển sinh dưới điểm chuẩn được thông báo từ năm 2011 đến năm 2014, nhưng đây là thông tin gây lo ngại cho dư luận về việc không đảm bảo chất lượng đầu vào. Ông giải thích vấn đề này thế nào?
Ông Trương Huy Hoàng: Từ năm 2011 đến năm 2014, trường Đại học Điện lực đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có một số em có điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn được công bố của trường.
Trước hết đây là sai phạm thuộc về trường như đã được chỉ ra trong các Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương năm 2016 và gần đây được nhắc lại trong Kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019. Các cá nhân liên quan đến sai phạm này đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, không thể nói rằng các sinh viên được tuyển vào trường với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn của trường là không đảm bảo chất lượng đầu vào, vì tất cả các sinh viên này đều có điểm đầu vào ở trên ngưỡng đảm bảo chất lượng hay còn được gọi là “điểm sàn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm chuẩn của các trường thường được xác định để tuyển số lượng sinh viên đầu vào đúng bằng chỉ tiêu tuyển sinh. Việc trường có tuyển một số sinh viên dưới điểm trúng tuyển là do trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu, nhưng một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng tất cả các sinh viên trúng tuyển vào trường đều đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cũng phải nói thêm rằng, trong giai đoạn này mặc dù trường là trường công lập nhưng không được cấp kinh phí đào tạo như các trường công lập khác, do vậy nếu chỉ tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao thì sẽ không đảm bảo được kinh phí để hoạt động.
Từ năm 2015 đến nay, trường được Chính phủ cho thực hiện thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện, học phí được phép tăng lên, nhờ đó trường đã tự đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư, mà không phải tăng số lượng tuyển sinh. Công tác tuyển sinh của trường Đại học Điện lực được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hoàn toàn không có sai phạm.
Kết luật Thanh tra của Bộ Công Thương số 3424/KL-BCT công bố ngày 13/5/2020 có 45 trang, đã nêu đầy đủ, toàn diện những sai phạm của trường Đại học Điện lực, chủ yếu từ năm 2014 về trước. |
PV: Những sinh viên được nhà trường tuyển vượt chỉ tiêu, nay có được công nhận tốt nghiệp không, thưa ông?
Ông Trương Huy Hoàng: Như tôi đã nói ở trên sai phạm về tuyển sinh vượt chỉ tiêu hay tuyển sinh dưới điểm chuẩn là thuộc về trường. Còn đối với phía sinh viên, theo quan điểm của Nhà trường, sai phạm này không thuộc về các em, vì các em đều nhận được Giấy báo trúng tuyển nhập học do trường phát ra, các em cũng đều có điểm đầu vào trên ngưỡng đảm bảo chất lượng theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em hoàn thành chương trình đào tạo và đóng đầy đủ học phí. Do vậy, Nhà trường không có lý do gì để không xét tốt nghiệp và cấp bằng cho các em và thực tế hầu hết các sinh viên thuộc diện này cũng đã đều đã được cấp bằng tốt nghiệp, chỉ còn lại một số ít các sinh viên chưa được xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên sau khi có Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 10/2019, trường đã tạm dừng việc xét công nhận tốt nghiệp cho các sinh viên thuộc diện này và hiện đang chờ ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PV: Một số ý kiến dư luận thắc mắc tại sao trường có những sai phạm như vậy trong công tác tuyển sinh mà ông không bị xử lý kỷ luật?
Ông Trương Huy Hoàng: Đã ở cương vị lãnh đạo thì phải dám làm dám chịu trách nhiệm. Tôi không bao giờ né tránh trách nhiệm nếu mình có sai phạm. Tháng 4/2015, sau khi đồng chí cố Hiệu trưởng Đàm Xuân Hiệp qua đời vì bệnh hiểm nghèo, tôi lúc đó là Phó Hiệu trưởng được giao phụ trách trường. Ở thời điểm đó có một số đơn thư phản ánh về đến những sai phạm của trường trong công tác đào tạo và tuyển sinh, và trong năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã có 02 đợt xác minh đối với cá nhân tôi về liên quan đến sai phạm, tiếp đó đầu năm 2016 lại có một đợt Thanh tra của Bộ Công Thương về công tác đào tạo và tuyển sinh của trường. Qua các đợt xác minh và Thanh tra, xác định tôi không có liên quan đến các sai phạm, Bộ Công Thương mới bổ nhiệm tôi làm Hiệu trưởng vào tháng 7/2016. Một số phóng viên khi viết bài, đã cố tình “buộc” tôi vào với những sai phạm được nêu trong Kết luận Thanh tra là không đúng sự thật.
Hàng năm, trường Đại học Điện lực đều tổ chức sự kiện “Ngày hội việc làm” cho sinh viên và đã có hàng trăm kỹ sư, cử nhân do Trường đào tạo đã tìm được việc làm từ cơ hội này. |
PV: Thông tin về “đường dây chống trượt” tại khoa Điều khiển và Tự động hóa của trường, thực hư thế nào, thưa ông?
Ông Trương Huy Hoàng: Về vấn đề này cũng đã nói trong Kết luận Thanh tra vừa qua của Bộ Công Thương, tuy nhiên một số báo nêu cũng chưa hoàn toàn chính xác. Nếu đọc kỹ Kết luận Thanh tra thì thực chất nêu lên là “có dấu hiệu” và yêu cầu Nhà trường “cần tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định”. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, Nhà trường sẽ tiếp tục xác minh làm rõ. Nếu có đầy đủ minh chứng cho thấy hiện tượng “chống trượt”, Nhà trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, dứt khoát không bao che cho sai phạm dù ở bất cứ cấp nào. Thực tế trong năm 2019 vừa qua, Nhà trường cũng đã xử lý kỷ luật và cho thôi chức vụ 02 đồng chí lãnh đạo ở cấp phòng do có sai phạm trong công tác tổ chức thi và ra đề thi kết thúc học phần, và đã đề nghị lên Đảng uỷ cấp trên xử lý kỷ luật 01 đồng chí lãnh đạo cấp trường do có sai phạm trong công tác đào tạo và thi đua khen thưởng
PV: Có ý kiến cho rằng, trường Đại học Điện lực đã tự ý ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư một số công trình xây dựng là trái pháp luật. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?
Ông Trương Huy Hoàng: Từ năm 2015 trường Đại học Điện lực là một trong số ít cơ sở giáo dục bậc Đại học được chọn thí điểm mô hình trường công lập nhưng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP. Đánh giá về công tác phê duyệt chủ trương đầu tư của Nhà trường, báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã nêu: “Công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư của các dự án được phê duyệt từ năm 2016 đến nay được đơn vị thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017”.
Ngay trong Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương vừa qua cũng có nêu lại đánh giá của Kiểm toán Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Khánh Sơn
Theo