(Xây dựng) – Cho rằng việc khai thác cát, sỏi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, môi trường, kinh tế… và nguy cơ “xóa sổ” vùng quê yên bình, nhiều người dân tại 2 thôn Giang Đông và Đồng Vân, xã Đồng Tân (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại việc cấp phép khai thác tại khu vực bãi soi cho Công ty TNHH Khai khoáng Dũng An Phát (Công ty Dũng An Phát).
Khu vực dự án được cấp phép nằm sát khu vực canh tác của người dân, do đó người dân lo ngại việc khai thác sẽ gây sạt lở. |
Người dân lo lắng điều gì?
Theo tìm hiểu được biết, ngày 13/11/2018, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 710/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình mỏ lộ thiên khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi soi Đồng Vân và bãi soi Giang Đông, xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa.
Đến ngày 11/6/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 375/QĐ-UBND cho Công ty này. Theo đó, diện tích khai thác 3,1ha; trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác là 98.177m3 cát, sỏi và 108.028m3 đất phủ; mức sâu khai thác thấp nhất đến cốt -0,8 (thấp hơn cốt nền đường bê tông gần khu vực mỏ 12,2m); thời gian khai thác 05 năm kể từ ngày ký giấy phép.
Khu vực cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty Dũng An Phát thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 theo Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 22/09/2016 của UBND tỉnh (diện tích quy hoạch 3,5ha, tài nguyên dự báo 105.000m3 cát, sỏi); thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh (diện tích 3,5ha)…
Ngay từ khi có thông tin UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác cát, sỏi cho doanh nghiệp, người dân tại 2 thôn Giang Đông và Đồng Vân đã tỏ ra vô cùng hoang mang.
Dù chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, Công ty Dũng An Phát đã tự ý di chuyển máy móc vào khai thác. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một người dân thôn Giang Đông cho biết, tại biên bản tổng hợp ý kiến, quan điểm của người dân thôn Giang Đông và Đồng Vân về việc khai thác cát, sỏi của Công ty Dũng An Phát, hầu hết người dân đều không nhất trí cho đơn vị này vào khai thác cát sỏi. Theo đó, một số lý do được người dân đưa ra bao gồm: Việc khai thác sẽ trực tiếp làm sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy của sông Cầu; làm mất đất canh tác của người dân; ảnh hưởng, sạt lở tới khu vực hoa màu của người dân đang canh tác liền kề và khu vực cây ăn trái là mô hình điểm của xã Đồng Tân; nguy cơ sạt lở tới nhà ở của toàn thể 95 hộ dân trong thôn Giang Đông…
Ngoài ra, theo người dân, việc khai thác cũng sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống, mất đi nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí, tạo ra một túi chứa rác thải, bao bì, xác động vật, mỗi khi có lũ về sẽ tạo nên mầm bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của doanh nghiệp, khi khai thác sẽ tạo công ăn việc làm cho 30 lao động; mỗi năm nộp ngân sách khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo người dân, việc khai thác sẽ làm mất đi công ăn việc làm của hành nghìn lao động, mất đi khoản thu nhập khoảng 2 - 3 tỷ đồng/năm tại khu vực này.
Có thể nói, những lo lắng của người dân tại đây không phải không có cơ sở, khi những năm gần đây, nhiều dự án khai thác cát, sỏi dù được cấp phép nhưng khi đi vào khai thác đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Tại huyện Hiệp Hòa, mới đây, Báo điện tử Xây dựng cũng đã có bài viết “Hiệp Hòa (Bắc Giang): Người dân “mất ăn, mất ngủ” vì bãi khai thác cát sỏi của Công ty Long Dương”. Mặc dù cũng được UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy phép khai thác nhưng trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này lại bất chấp quy định của pháp luật, gây ra tình trạng xe quá tải hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Hàng loạt vụ hành hung bất thường
Theo phản ánh của người dân, kể từ khi phản đối và yêu cầu xem xét lại việc cấp giấy phép cho Công ty Dũng An Phát, hàng loạt đối tượng lạ mặt bỗng xuất hiện tại địa phương. Nghiêm trọng hơn, một số người dân, trong đó có cả trẻ em đã bị các đối tượng này hành hung, gây thương tích.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Tạ Văn Khang - Trưởng thôn Đồng Vân cho biết: Mặc dù là dự án được cấp phép nhưng người dân xung quanh khu vực đều không đồng tình. Tại Văn bản số 2056/TNMT-TNKS, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã yêu cầu rõ ràng Công ty Dũng An Phát chỉ được phép hoạt động khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi soi khi được cấp ủy, ban lãnh đạo thôn Đồng Vân, Giang Đông có Nghị quyết nhất trí và được nhân dân khu vực mỏ đồng thuận.
“Vừa rồi, Công ty đã về đàm phán với người dân nhưng người dân không chấp thuận. Mặc dù vậy, khoảng tháng 10/2020, Công ty đã tự ý đưa thiết bị, máy móc về để thực hiện việc khai thác. Do đó đã xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và phía Công ty”, ông Khang cho biết.
Cũng theo ông Khang, kể từ khi xảy ra mâu thuẫn, tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã không được đảm bảo. Cuộc sống của người dân tại một vùng quê vốn yên bình bao đời nay đã bị xáo trộn, nhiều vụ hành hung nhắm vào người dân 2 thôn Đồng Vân và Giang Đông đã xảy ra.
“Ở đây, một số người dân đã bị ném sơn, ném chất bẩn vào trong nhà. Đã có 8 trường hợp bị đe dọa và bị hành hung một cách bất thường. Vừa rồi, ông N.P.C (57 tuổi), người dân thôn Giang Đông, trong khi xuống khu vực doanh nghiệp tự ý đưa máy móc vào khai thác để chụp ảnh đã bị một số đối tượng bắt vào chòi bảo vệ của Công ty và có hành vi hành hung gây thương tích. Nghiêm trọng hơn, đã có tình trạng hành hung một số cháu nhỏ, là con em của người dân trong thôn. Mới đây nhất, cháu N.Q.H thôn Đồng Vân (7 tuổi), khi đi học về đã bị một số đội tượng dùng gậy đập vào đầu và phải đi chụp, chiếu”, ông Khang tỏ ra bức xúc.
Được biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, các phụ huynh tại thôn Đồng Vân đã không cho con em đến trường, việc đó đã buộc cơ quan chức năng tại địa phương phải điều động xe ôtô và bố trí người bảo vệ, tổ chức đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, do quá bất mãn, người dân cũng đã đổ các trụ bê tông nhằm ngăn chặn việc xe của Công ty Dũng An Phát di chuyển vào khu vực khai thác.
“Nguyện vọng của người dân 2 thôn đó là đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc cấp phép cho Công ty Dũng An Phát, xem mức độ ảnh hưởng sạt lở tới đất canh tác của người dân và các hộ giáp ranh với khu vực khai thác của công ty. Thứ hai là xem có ảnh hưởng tới di tích lịch sử hay không? Nơi đây đã từng là điểm căn cứ cách mạng, nuôi giấu các đồng chí là lãnh đạo như đồng chí Trường Chinh, địa phương đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng”, ông Khang bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Quang Toản – Phó Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Hiệp Hòa cho biết: “Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Văn bản tạm dừng việc khai thác để xem xét việc cấp phép và nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.
Có thể thấy, dù chưa đi vào khai thác nhưng dự án xây dựng công trình mỏ lộ thiên khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi soi Đồng Vân và Giang Đông của Công ty Dũng An Phát đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía người dân địa phương. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Giang cần xem xét tới những phản ánh của người dân, đảm bảo quyền lợi, tạo sự đồng thuận nơi người dân. Đồng thời, sớm điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Chương Huyền – Thân Nam
Theo