Sau nhiều ngày góp sức hỗ trợ đồng bào miền núi phía Bắc sau thiên tai, chúng tôi đã trở về với thủ đô. Chuyến đi đã kết thúc nhưng nỗi nghẹn ngào, nỗi buồn, niềm vui dường như vẫn còn đó - một hành trình không thể quên của những trái tim hướng về vùng lũ.
Cơn thịnh nộ của đất trời
Ngày 6/9/2024, miền Bắc nước ta phải đón nhận trực tiếp cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi). Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên khu vực Biển Đông; cường độ tăng rất nhanh; duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài; mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường; thời gian hoạt động trên đất liền kéo dài (12 giờ). Những đặc điểm bất thường của bão Yagi đã dẫn tới sự bất thường của cơn mưa lớn diện rộng do hoàn lưu bão gây ra.
Hình ảnh cơn bão số 3 vào lúc 10h00 ngày 7/9/2024. |
Dù “siêu bão” này đã được dự báo trước, cả hệ thống chính trị của các tỉnh thành cũng đã vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng, chống chọi trước cơn bão; Bộ quốc phòng cũng đã huy động gần 458.000 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên) và hơn 10.100 phương tiện các loại để ứng phó với bão số 3. Trong đó, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng.
Thế nhưng, cơn bão số 3 một lần nữa đã minh chứng rằng: sức người thật nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Yagi đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng nhiều chục năm qua tại miền Bắc, gây ngập lụt cho 20/25 tỉnh, thành.
Tại thủ đô Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, cũng xảy ra lũ, gây ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng.
Hình ảnh nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt nhiều khu vực tại thủ đô Hà Nội. |
Khoảng 10 giờ ngày 9/9/2024, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập. Tại thời điểm xảy ra sự cố, có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện). Sự cố sập cầu Phong Châu đã khiến hơn 10 người thương vong.
Hình ảnh cầu Phong Châu bị sập. |
Mưa lớn từ cơn bão Yagi cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Cao Bằng, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Riêng tại TP Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất. Đặc biệt là vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, xóa sổ ngôi làng của 33 hộ dân với 168 người. Sau cơn lũ bất ngờ, hơn 100 người chết và mất tích….
Cả dân tộc Việt Nam, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã phải “gồng gánh” đau thương, mất mát lớn đến nghẹn lòng này.
Tạm “gác bút” để… xoa dịu nỗi đau
Trăn trở và đau đáu nỗi bi thương mà đồng bào mình đang phải gánh chịu, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của cán bộ công nhân viên chức, người lao động, sáng 11/9, Tiến sỹ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo PLVN đã có chỉ đạo khẩn và ký quyết định thành lập tổ công tác đến với bà con một số tỉnh đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Quyết định có hiệu lực ngay sau đó, tổ công tác lập tức triển khai, thực hiện nhiệm vụ của mình. Những người làm Báo pháp luật Việt Nam chúng tôi chính thức thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt.
Nhà báo Sỹ Hồng – Bí thư đoàn thanh niên Báo Pháp luật Việt Nam lập tức triệu tập toàn bộ lực lượng thanh niên để “nhận lệnh”, túc trực 24/24 tiếp nhận quà của các nhà hảo tâm, phân chia đến các địa phương, với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên."
Các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Báo PLVN cùng góp công, góp sức để hỗ trợ đồng bào vùng lũ. |
Lời kêu gọi từ trái tim cũng đã đến được với trái tim. Các doanh nghiệp đồng hành, bạn đọc hảo tâm đã nhanh chóng chuyển tới chúng tôi những món quà để chia sẻ với bà con vùng lũ như: Vingroup, Hệ thống nhà thuốc và Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, Công ty cổ phần GWIN, Hãng xe Sao Việt, Thiên Khôi Group, Sabuwa... và nhiều doanh nghiệp, bạn đọc hảo tâm khác đã cùng góp sức, gửi tiền, các món hàng thiết yếu để Báo pháp luật Việt Nam mang tới chia sẻ với bà con vùng lũ.
Từng lọ thuốc, từng chai nước, từng thùng quà mang theo tình yêu thương, sự chia sẻ được các phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam truyền tay nhau đưa lên xe để đến với đồng bào vùng "tâm lũ". |
Sáng 13/9/2024, đoàn xe của Báo Pháp luật Việt Nam được chia làm hai hướng, mang theo 1000 suất quà gồm gạo, quần áo, nước sạch, lương khô, thuốc không kê đơn... thẳng tiến về miền “tâm lũ”.
Tại tỉnh Cao Bằng, 200 suất quà (gồm thuốc, sữa, lương khô, ủng, áo phao, xà bông, thuốc….), 100 thùng nước lọc, 100 thùng mì tôm, 500kg gạo, 300 chiếc bánh chưng, 2 bao quần áo… đã được trao cho đại diện chính quyền và người dân địa phương.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng trân trọng tiếp nhận nhu yếu phẩm của Báo PLVN gửi tặng (Ảnh: Lê Hanh) |
Đoàn công tác đã trao tặng 800 trăm suất quà hỗ trợ bà con Yên Bái, Lào Cai trong đó mỗi địa phương dành 20 suất quà chia sẻ với công chức, viên chức ngành Tư pháp và THADS.
Trực tiếp Tiến sỹ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - đã cùng phóng viên tới hiện trường vụ sạt lở đất ở làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Tại đây, ngoài 100 triệu đồng và hàng trăm phần quà tặng được gửi cho chính quyền địa phương để trao lại cho người dân; cá nhân Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã trao trực tiếp 37 suất quà cho 37 hộ gia đình nơi “tâm lũ” này.
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trực tiếp trao quà cho người dân chịu ảnh hưởng bởi lũ. |
Lãnh đạo Báo cũng cử 1 tổ công tác gồm: 5 đồng chí, (do nhà báo Phạm Quốc Cường làm tổ trưởng) đến huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để trao tận tay người dân những “tấm lòng” của đồng bào cả nước. Xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là nơi 44 gia đình được bố trí tránh lũ. Dù nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương và các “mạnh thường quân” nhưng nước sạch vẫn chẳng đủ, 44 gia đình với hơn trăm nhân khẩu vẫn phải chia nhau từng góc sàn, từng nền nhà để ngả lưng qua ngày.
Nhà báo Phạm Quốc Cường - Trưởng ban Bạn đọc trao quà cho đồng bào tại điểm lưu trú thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. |
Ngay khi đến Bắc Hà, nhóm phóng viên trẻ khi ấy đã “nhừ người” vì đói, mệt và mất sức sau quãng đường dài vẫn lập tức “vào việc” để có thể chia sẻ ngay được với bà con nơi đây những nhu yếu phẩm cấp thiết.
Mỗi người 1 nhiệm vụ, mỗi người 1 việc, công tác trao quà cho bà con tại đây được chúng tôi thực hiện lập tức dưới ánh nắng chói chang của vùng “tâm lũ”.
Khi mặt trời dần ngả mình xuống núi cũng là lúc những phần quà cuối cùng được trao đến tay bà con. Những phóng viên mặt lấm lem, áo ướt sũng nhưng nét mặt rạng ngời như… vừa được tặng quà.
“Áo em vắt được ra nước mồ hôi này anh” - cậu phóng viên trẻ Quốc Anh vừa nói, vừa cười, tay vắt áo...
Nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam chụp ảnh cùng các em nhỏ tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. |
Trong không gian của yêu thương và chia sẻ, hình như không còn khoảng cách của những người xa lạ. Cháu bé 3 tuổi hồn nhiên cùng Nhà báo Quốc Cường chơi trò xếp những viên đá. Nhà báo Nguyệt Thương ngồi trầm tư chia sẻ cùng một người phụ nữ dân tộc bập bõm tiếng Kinh. Nhà báo Gia Hải mải ngắm người cha đang bế đứa con còn đỏ hỏn của mình, ở bên cạnh, người mẹ đang nở 1 nụ cười với ánh mắt hạnh phúc như nói với cháu bé rằng: Bão qua rồi con à, nhà mình…. vẫn đủ!
Khoảnh khắc hạnh phúc của 1 gia đình sau cơn bão. |
Trở về Hà Nội lúc rạng sáng ngày 16/9/2024, khi bắt đầu ngày mới, tuần làm việc mới, chúng tôi lại hối hả cho hành trình tiếp theo. Toàn bộ nhân lực của cơ quan được huy động để nhận hàng, vận chuyển hàng, phân chia hàng để đến trưa ngày 18/9, đoàn xe của Báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi chở tình cảm yêu thương của đồng bào cả nước tiếp tục lăn bánh.
Những bữa ăn vội để kịp thời nhiệm vụ phân loại, vận chuyển hàng hoá. |
Điểm dừng chân lần này của chúng tôi là “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng - nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bộ Tư pháp khi dời từ Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1949 - 1951. Chính nơi đây đã diễn ra những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước cũng như của ngành Tư pháp.
Báo Pháp luật Việt Nam đã trao quà tại Hội nông dân tỉnh Tuyên Quang. |
Tại đây, Đoàn trao 250 suất quà cho MTTQ tỉnh Tuyên Quang để hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống sau bão lũ; Tại trụ sở UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang), Đoàn công tác đã trực tiếp trao tặng quà để hỗ trợ cho 12 gia đình bị mất, hư hỏng, thiệt hại về nhà ở.
Đặc biệt, Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam cùng các Nhà báo trong đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm một số gia đình bị thiệt hại nặng.
Anh Thảo A Chạ (trú tại thôn Nà Pin, xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) xúc động: “Nhà tôi chẳng còn gì đâu, đất đá sạt lở hết rồi, mấy bố con giờ cố gắng vượt qua thôi chứ biết làm sao bây giờ... Cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam đã quan tâm, giúp đỡ, trao quà cho gia đình tôi…”.
Xong nhiệm vụ tại Tuyên Quang, những chiếc xe mang theo 20 tấn nước sạch, 700 chiếc quần áo và thuốc men, bánh kẹo… tiếp tục vượt đồi núi để đến trao tặng, hỗ trợ đồng bào tại tỉnh Bắc Kạn.
Ấm áp hai tiếng "đồng bào"
Hành trình trọn 10 ngày đến với đồng bào miền núi phía Bắc của những người làm Báo Pháp luật Việt Nam đã tạm khép lại. Chỉ là tạm khép bởi nước đã rút, cũng không còn nơi nào đồng bào "ruột sạch, bụng rỗng không có gì ăn" như Tổng biên tập của chúng tôi nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lan tỏa thông tin, tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, các bạn đọc hảo tâm để tiếp tục giúp đỡ bà con trong giai đoạn tái thiết”.
Chiếc xe chở Đoàn công tác của Báo PLVN hỗ trợ đồng bào vùng lũ đã "lăn xả" trên hàng trăm cung đường, đi hàng nghìn kilomet mang theo những "trái tim hồng" đến với đồng bào Tây Bắc. |
Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở về Hà Nội, bùn đất Tây Bắc vẫn còn vương trên quần áo. Nhưng trong sự mệt mỏi, xơ xác của hành trình dài ấy, ai cũng thấy đồng nghiệp của mình thật đẹp! Vẻ đẹp của sự sẻ chia, vẻ đẹp của sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái.
Nụ cười của 2 em nhỏ tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. |
“Chẳng thể cầm được nước mắt khi chứng kiến những nỗi đau của bà con, nhưng vui vì bản thân mình, cùng với các đồng nghiệp dưới mái nhà chung Pháp luật Việt Nam đã góp và chia sẻ những nỗi đau, mất mát ấy với bà con. Và nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong lại được là người Việt Nam, được đứng dưới ánh cờ đỏ sao vào của Tổ quốc” - nhà báo Phạm Quốc Cường chia sẻ sau chuyến hành trình.
Cảm ơn vì đồng bào vẫn ở đó cho chúng tôi được gặp, được san sẻ đau thương mất mát! Cảm ơn các doanh nghiệp, các bạn đọc hảo tâm đã tin tưởng và chung sức cùng chúng tôi!
Hình ảnh "thay lời cảm ơn" được ghi nhận tại tỉnh Cao Bằng. |
Dưới đây là một số hình ảnh được PV ghi nhận lại:
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trao quà cho người dân chịu thiệt hại do bão lũ tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. |
Từng món qùa được Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trao đến tận tay người dân. |
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai trao quà hỗ trợ nhân dân tỉnh Lào Cai. |
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam trao quà, động viên nhân nhân, thành viên các gia đình tại làng Nủ. |
Tổ công tác của Báo Pháp luật Việt Nam được giao nhiệm vụ đến hỗ trợ, trao quà tại điểm lưu trú thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. |
Hàng trăm suất quà và các nhu yếu phẩm đã được mang đến với đồng bào tỉnh Yên bái. |
Khoảnh khắc nghỉ ngơi, chỉ kịp "lấy tay quệt mồ hôi" rồi lại tiếp tục phân loại, khuân vác nhu yếu phẩm lên xe để chuyển lên Tây Bắc hỗ trợ đồng bào của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam. |
Những "bóng hồng" của Báo Pháp luật Việt Nam chỉ quen viết lách nay cũng góp công, góp sức hỗ trợ đồng bào lũ lụt. |
Theo Gia Hải/Baophapluat.vn
Link gốc: