(Xây dựng) - Ngày 8/12, HĐND thành phố Hải Phòng khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021-2026). Nội dung kỳ họp gồm nhiều vấn đề quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo kỳ họp. |
Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày (8 - 10/12/2021), nội dung chủ yếu của kỳ họp: Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và quyết định nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; quyết định Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2022 của HĐND thành phố; thông qua Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2022; phê chuẩn quyết toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương năm 2022; thực hiện một số nội dung theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều quyết sách quan trọng bám sát các quy định của Trung ương cũng như thực tiễn của thành phố, có tác động to lớn và trực tiếp đến đời sống của người dân như: Nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2022; Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Điều chỉnh cục bộ giá đất một số vị trí, tuyến đường trong bảng giá các loại đất 05 năm (2020-2024) trên địa bàn thành phố; tiến hành bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND thành phố và nhiều nội dung quan trọng khác...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội có những quyết sách rất quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Với Nghị quyết này, thành phố Hải Phòng được thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị HĐND thành phố chủ động, kịp thời nghiên cứu, ban hành các Nghị quyết theo thẩm quyền để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách trong năm 2022.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421,01 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI. |
Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cho chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Phê duyệt 8 đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2021. Thành phố Hải Phòng xác định chủ đề năm 2022: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. Thành phố Hải Phòng đề ra 19 nhóm chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường…
Đăng Hùng
Theo