(Xây dựng) – Từ nay đến năm 2045, thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ huy động 285.350 tỷ đồng để phát triển đô thị Thủy Nguyên, trong đó, đô thị mới Thủy Nguyên sẽ bao gồm 17 phường nội thị từ 26 xã, thị trấn...
Thành phố Hải Phòng dự kiến đầu tư hơn 285.000 tỷ đồng phát triển đô thị mới Thủy Nguyên (Ảnh: Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). |
Theo thông tin từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết, ngày 20/5, thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045. Với mục tiêu nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và của thành phố Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên trở thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố Hải Phòng và của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng.
Đến năm 2035, xây dựng Thủy Nguyên là đô thị loại II
Chương trình nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển đô thị mới Thủy Nguyên hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại III trước 2025 và đô thị loại II đến năm 2035. Phạm vi lập Chương trình phát triển đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Thủy Nguyên và phần đảo Vũ Yên cùng mặt nước liền kề thuộc địa giới hành chính quận Hải An.
Cụ thể, đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của Thủy Nguyên gấp 1,5 lần so với cả nước; tỷ lệ tăng dân số 0,7%; mật độ dân số tính trên diện tích xây dựng đô thị 7.350 người/km2; cơ sở y tế cấp đô thị bình quân trên 30 cơ sở/10.000 dân; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị 50%...
Giai đoạn đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,8 lần so với cả nước; tỷ lệ tăng dân số 1,8%; mật độ dân số tính trên diện tích xây dựng đô thị 10.000 người/km2; cơ sở y tế cấp đô thị bình quân trên 40 cơ sở/10.000 dân; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị trên 50%.
Khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủy Nguyên sẽ bao gồm 17 phường nội thị từ 26 xã, thị trấn gồm: Minh Đức, Núi Đèo, Thủy Đường, Thủy Sơn, Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Quảng Thanh, Lâm Động, Hoàng Động, Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan, Mỹ Đồng, Kiền Bái, Thiên Hương, Đông Sơn, Kênh Giang, An Lư, Hòa Bình, Thủy Triều (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên), Trung Hà, Ngũ Lão, Tam Hưng, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ.
Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ
Triển khai nâng cấp, mở rộng quy mô của bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên lên chuẩn hạng I, thêm 320 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn số giường bệnh/10.000 dân. Về tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đến năm 2025, phấn đấu đạt tối thiểu 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đối với tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý, đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bắc Sông Cấm 1. Trong đó xử lý tối thiểu 15% lượng nước thải phát sinh của khu vực nội thị của đô thị Thủy Nguyên (tương đương 4.200 m3/ngđ). Xây dựng công viên cây xanh, quy mô tối thiểu 35ha phù hợp với quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về quy chế quản lý kiến trúc và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị, triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị Thủy Nguyên. Đảm bảo tối thiểu 75% các đơn vị thuộc khu vực nội thành thực hiện tốt quy chế. Đồng thời ban hành bộ tiêu chí về tuyến phố văn minh đô thị, tiến hành xây dựng, cải tạo các tuyến phố trên địa bàn đảm bảo 40% tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị.
Cùng với đó, khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết định hướng một số khu vực đô thị, khu chức năng đô thị, khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Đồng thời, huy động, thu hút, kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả từ bước quy hoạch các dự án khu đô thị, khu chức năng đô thị theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao thông minh và có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư triển khai các dự án theo mô hình này.
Theo UBND thành phố Hải Phòng, tổng nhu cầu vốn phát triển đô thị Hải Phòng từ nay đến năm 2045 là hơn 285.350,44 tỷ đồng, trong đó, dự kiến vốn ngân sách Trung ương là hơn 1.363,5 tỷ đồng; ngân sách thành phố là 13.045,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 24.656,27 tỷ đồng; nguồn vốn khác là hơn 246.284,87 tỷ đồng.
Về giải pháp huy động nguồn lực thực hiện, Hải Phòng dự kiến sử dụng các nguồn lực tổng hợp, chủ đạo từ các loại nguồn vốn đầu tư công để đầu tư các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cho từng giai đoạn, thu hút đầu tư từ điều kiện tự nhiên, tài nguyên, quỹ đất hiện có.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, mô hình hợp tác công - tư PPP, FDI và vốn của các thành phần kinh tế khác.
Duyên Hải
Theo