(Xây dựng) - Sáng 21/12, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc gần nghìn năm tuổi vừa được phát hiện, tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Bãi cọc được cho là thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo báo cáo sơ bộ của Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Triệu phát hiện 2 cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Đồng thời, trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.
Đoàn lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm thực địa bãi cọc. |
Ngày 16/10/2019, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát do Tiến sĩ Lê Thị Liên - Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn đã về khảo sát hiện trường nơi phát hiện bãi cọc.
Ngày 01 - 02/11/2019, đoàn khảo sát do Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối – quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD.
27 cọc được phát hiện có kích thước khác nhau, cọc dài nhất là 2,7m. |
Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, ngày 15/11/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ.
Ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ. Kết quả khai quật cho 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc (H1 diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc). Các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26-46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng, có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Từng chiếc cọc được đánh số hiệu. |
Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một thế trận địa có niên đại vào cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần. Trận địa này dùng để chặn giặc không cho chúng tiến vào sông Giá, buộc phải đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của chúng ta ở Bãi cọc Yên Giang và Đồng Vạn Muối, Đồng Mã Ngựa ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Để hiểu rõ hơn về quy mô, tính chất, diện mạo của chiến trường bãi cọc Cao Quỳ, chúng tôi đề xuất cần tiến hành điều tra, khảo sát và quy hoạch, bảo tồn bãi cọc.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã thảo luận các nội dung liên quan đến khảo cổ học, đại chất - địa hình, giá trị lịch sử… Các đại biểu đã ghi nhận, đánh giá rất cao việc phát hiện, khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Từ những hình ảnh, thông tin, cơ sở phát hiện, các đại biểu đều đưa ra nhận định bãi cọc Cao Quỳ có liên quan, có dấu tích trong trận chiến, đánh đuổi quân giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Qua đó, các đại biểu cũng kiến nghị việc tiếp tục tìm hiểu, đánh giá giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng với những di tích khác trong khu vực để có hướng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử.
Thân cọc có "ngoàm" dùng để buộc dây. |
Kết luận Hội nghị, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh: “Việc phát hiện các bãi cọc, chứng tích một phần của các trận địa năm xưa có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử. Mang lại niềm phấn khởi, tự hào cho các tầng lớp nhân dân Hải Phòng. Song, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố chúng ta, không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Để hoàn thành trách nhiệm đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành thành phố liên quan cần phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc Cao Quỳ.
Tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang để lập quy hoạch và xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực. Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.
Mỹ Hạnh
Theo