(Xây dựng) - Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Hải Dương có chiều hướng tăng trưởng mạnh. Đây là nhóm ngành được đánh giá là đem lại nhiều tiềm lực, góp phần lớn vào mức tăng trưởng của tỉnh.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Hải Dương có chiều hướng tăng trưởng mạnh. (Ảnh minh hoạ) |
Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, trong tháng 7/2024, nhóm ngành chế biến, chế tạo của tỉnh Hải Dương dẫn đầu tăng trưởng với mức tăng 17,3%, đóng góp phần lớn vào mức tăng chung của ngành là 14,7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, một số ngành có chiều hướng giảm như ngành sản xuất và phân phối điện giảm 4,6% do mùa mưa lũ đến sớm nên ưu tiên phát điện từ các nhà máy thuỷ điện. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tháng 7 của tỉnh vẫn được đánh giá tốt hơn quý II vừa qua.
Sản xuất công nghiệp là nhóm ngành được đánh giá là đem lại nhiều tiềm lực cho Hải Dương. (Ảnh minh hoạ) |
Số liệu thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Dương tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số tăng cao là sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 11,4%), sản xuất xe có động cơ (tăng 13,4%), may mặc (tăng 13,3%), chế biến thực phẩm (tăng 11,9%).
Bên cạnh các ngành tăng trưởng cao thì một số ngành sản xuất gặp khó do thị trường phục hồi chậm. Đó là sản xuất xi măng, gạch ngói (giảm 6,3%), sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị (giảm 2,2%).
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư tại tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh này đã thành lập nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Kinh tế Hải Dương trên đà phát triển với nhiều tín hiệu khởi sắc. (Ảnh minh hoạ) |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, các nhà đầu tư FDI đầu tư vào địa bàn trong 6 tháng năm 2024 đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu 68,5 triệu USD, chiếm 50,7% tổng vốn đầu tư, thứ hai là Hồng Kông (Trung Quốc) với số vốn 36,5 triệu USD, chiếm 27% tổng vốn đầu, thứ ba là Singapore với tổng vốn 12,5 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư, còn lại là Australia, Samoa, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Trong những năm qua, Hải Dương đã phát huy rất tốt lợi thế nằm ở giữa trung tâm chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trở thành “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương đã thu hút trên 10 vạn lao động trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo sức kéo, dẫn dắt cho các dự án có vốn đầu tư trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại, góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực về chất lượng…
Vũ Phong Cầm
Theo